Vườn đào của gia đình anh Trần Xuân Đường (thôn 1, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân) hiện đã nở rộ
Theo con đường bê tông về thôn 1, xã Cổ Đạm (Nghi Xuân) nằm sát chân núi Hồng Lĩnh, ngay đầu làng, chúng tôi đã bắt gặp những vườn đào nở rộ. Ghé vào vườn đào của gia đình anh Trần Xuân Đường với gần 300 gốc đã nở, gặp mưa, những cánh hoa rơi trắng đất.
Anh Đường cho biết: “Năm trước, thất thu vì đào nở muộn do trời rét, nhưng năm nay ngược lại, đào nở sớm do thời tiết quá nóng. Nhìn vườn đào mà xót ruột, những cây đào có thế khá đẹp nhưng hoa đã nở hồng cả vườn. Từ giờ đến Tết Nguyên đán còn 15 ngày mà không có cách gì để hãm”.
Thời điểm này cũng có nhiều khách chơi đào xuống tận vườn nhà để đặt cọc trước và chọn cho mình cây đào như ý nhưng họ chỉ dạo vài vòng rồi sang nhà vườn khác vì thấy chất lượng đào không đảm bảo. Theo tính toán, vườn đào của anh Đường có thể thất thu cả trăm triệu đồng cho vụ tết này.
“Trước đây, ngày nào tôi cũng ra thăm vườn đào nhưng giờ chả buồn ra, nhìn nẫu cả ruột. Hy vọng từ nay đến tết, trời rét đậm, những cây đang còn búp sẽ nở đúng dịp, may ra vớt vát đôi chút” – anh Đường chia sẻ.
Không chỉ vườn đào anh Đường mà hơn 30 hộ dân trồng đào ở thôn 1, xã Cổ Đạm đều “mất ăn, mất ngủ” vì đào nở quá sớm. Nhiều hộ trồng đào ở đây cho hay, cả năm ai cũng trông chờ đến dịp tết thu nhập từ cây đào để trang trải cuộc sống gia đình, có tiền chi tiêu trong dịp tết, song loại cây này đang phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết nên trời không cho thì mình phải chịu thôi”.
Cùng nỗi lo thất thu từ đào tết, người trồng đào ở xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) cũng đang đứng ngồi không yên khi hàng nghìn gốc đào phai chuẩn bị thu hoạch đã nở rộ. Ông Hà Huy Thắng - Trưởng thôn 9, xã Cẩm Hưng cho biết: “Cả thôn có hơn 70 hộ trồng đào, hiện tại đa số đào đã nở, nhiều cây nở rộ chiếm khoảng 50% nên chắc chắn năm nay người dân sẽ thất thu. Riêng gia đình tôi năm trước thu nhập từ đào gần 60 triệu đồng nhưng năm nay không ăn thua vì hơn trăm gốc đã nở hoa từ 50-60%, đến tết may ra cho thu hoạch khoảng 20% cây còn lại”.
Người trồng nào ở nhiều địa phương Hà Tĩnh đang "méo mặt" lo thất thu
Theo Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng Nguyễn Đình Dũng: Toàn xã có khoảng 300 hộ trồng đào phai với diện tích hơn 35 ha, tập trung tại các thôn 7, 8, 9. Đào phai thực sự đã mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ dân trong những năm gần đây. Tính ra, mỗi hộ vào kỳ thu hoạch bình quân cho thu nhập khoảng từ 80 - 100 triệu đồng. Nhưng năm nay, do đợt mưa lũ kéo dài vào tháng 10, 11 dẫn đến đất ẩm ướt, cộng với trời hanh nắng nên đào nở rất sớm. Từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 còn nửa tháng nên may ra có khoảng 20 - 30% cây đào trong xã cho thu hoạch đúng dịp.
Mất nhiều kinh phí đầu tư lại tốn công chăm bón, tỉa cành… cũng chỉ mong hoa nở đúng dịp tết. Năm nào thời tiết diễn biến thất thường, người trồng đào lại như “ngồi trên lửa” vì mọi công sức “đổ sông, đổ bể”. Để cây đào nở hoa đúng thời điểm là điều rất khó cho những người trồng đào vì họ chưa từng được đi tham quan, học hỏi kỹ thuật, chỉ tự mày mò rồi đúc rút kinh nghiệm.
Đào nở muộn, nở sớm dẫn đến thất thu rất lớn cho người trồng. Bởi vậy, chính quyền các địa phương cần quan tâm và có chính sách hỗ trợ nâng cao kiến thức, kỹ thuật cho các hộ dân, đồng thời thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để nghề trồng đào phát triển bền vững...