Thống kê của Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản, vào thời điểm cuối tháng 10/2017 đã ghi nhận số lao động người nước ngoài đã tăng lên mức kỷ lục khoảng 1,28 triệu lao động, là mức cao nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu thống kê từ năm 2008.
Lao động người Trung Quốc vẫn có số lượng đông nhất là hơn 372.000 người, tiếp đến là lao động Việt Nam với trên 240.000. Trong đó, lao động Việt Nam đã có mức tăng ấn tượng lên đến 40% so với năm ngoái và bỏ xa các nước xếp tiếp theo là Philippines, Brazil và Nepal.
Bên cạnh đó, theo cơ quan về tình trạng cư trú, số sinh viên nước ngoài có tham gia làm thêm giờ đã tăng rất nhanh 24% so với năm trước, tiếp đến là các thực tập sinh kỹ năng tăng 22%.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: "Cải cách lao động là một trong ba mũi tên của chính sách Abenomic, chủ yếu sẽ tập trung tái cơ cấu thành phần lao động. Việc quan trọng này sẽ thực hiện với tốc độ nhanh và không thể trì hoãn được. Chúng ta phải thực hiện với một quyết tâm mạnh cao".
Nền kinh tế phục hồi nhưng thị trường lao động bị thu hẹp do tình trạng già hóa dân số, đã buộc Nhật Bản cho phép tăng cường sử dụng lao động nước ngoài và sinh viên nước ngoài làm việc bán thời gian. Tuy nhiên, số lao động tay nghề cao hoặc các chuyên gia chiếm tỉ lệ thấp trong cơ cấu lao động nước ngoài.
Luật lao động mới có hiệu lực từ ngày 1/11/2017 đang kỳ vọng sẽ mở rộng hơn cánh cửa với các lao động từ các nước đang phát triển và thu hút được nhiều hơn lao động chất lượng cao hay các chuyên gia giỏi.