Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết thời gian tới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, trong chỉ đạo sản xuất, bên cạnh tập trung cao độ đảm bảo kết quả cao nhất về diện tích, năng suất, sản lượng thì cần phải hết sức linh hoạt trong công tác chỉ đạo, bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi để né tránh thiên tai, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cụ thể, đối với các loại cây trồng, rau màu vụ đông như: ngô, rau, củ, quả, khoai lang…, ngành nông nghiệp cần chỉ đạo các địa phương tiếp tục chăm sóc phòng trừ sâu bệnh số diện tích gieo ít bị ảnh hưởng sau đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời gieo trỉa lại trên số diện tích ảnh hưởng và tập trung sản xuất số diện tích còn lại theo kế hoạch; tập trung sản xuất rau trên cát, bãi bồi ven sông. Các vùng có thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước, sản xuất theo hướng “đa cây, đa thời vụ gieo trồng” và đa dạng hóa phương thức sản xuất.
Việc phòng chống dịch bệnh trên cây trồng phải được theo dõi chặt chẽ, thực hiện công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo và chủ động phòng trừ các đối tượng dịch bệnh sau mưa lũ.
Đối với chăn nuôi cần tăng cuờng công tác vệ sinh môi trường, thu gom xác gia súc, gia cầm chôn lấp theo đúng quy trình; vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi, phun tiêu độc khủ trùng trước khi thả nuôi lứa mới.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng, đây là thời vụ rất khắt khe, khó khăn, trong khi yêu cầu phải nhanh chóng đảm bảo sau thời gian ngắn nhất người dân có thu nhập từ các loại cây trồng, vật nuôi. Vì vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương phải tính toán sát đúng diện tích, thời gian bố trí xuống giống đảm bảo trong khung thời vụ. Khi hợp đồng với các công ty chăn nuôi trong sản xuất ngô sinh khối phải thống nhất về giá, sản lượng tiêu thụ, không để người dân bị ép giá. Về cơ chế chính sách, người dân thiệt hại đến đâu hỗ trợ giống đến đó (hỗ trợ 100%).
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở NN &PTNT liên hệ và chịu trách nhiệm chất lượng về giống, tổ chức hướng dẫn chỉ đạo sản xuất sát sao, chú ý kiểm soát theo dõi dịch bệnh, tiêm phòng gia súc gia cầm, vệ sinh môi trường; tiếp tục rà soát để tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng định kỳ đợt 2.