Đang cho con bú, mẹ có uống rượu, bia, cà phê được không?

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh đặc biệt là trong 6 tháng đầu đời. Chế độ ăn của người mẹ liên quan đến số lượng và chất lượng sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ.

Đang cho con bú, mẹ có uống rượu, bia, cà phê được không?

Chế độ ăn của người mẹ liên quan đến số lượng và chất lượng sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ

Sau đây là những lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho các mẹ sau sinh, đặc biệt các mẹ đang cho con bú:

1. Năng lượng ăn vào

Khi cho con bú, người mẹ cần ăn thêm khoảng 400 - 500 calo/ngày (thêm khoảng 1/5 nhu cầu bình thường). Nhưng thay vì ngồi "đếm" lượng calories, tốt nhất mẹ hãy "cảm nhận" đói thì ăn và ngừng ăn khi no.

Điều cần lưu ý là chế độ ăn phải lành mạnh, cân đối, gồm trái cây, rau, protein, ngũ cốc và hạn chế chất béo có hại.

Mẹ nên ăn thêm 2-3 phần cá/tuần để bổ sung chất béo omega-3 (cần khoảng 200-300mg/ngày). Omega-3 có nhiều trong cá trích, cá ngừ, cá hồi, nhưng chú ý ít ăn cá biển có nhiều thủy ngân (cá kiếm, cá thu…).

Nếu không ăn đủ năng lượng thì sao? Các nghiên cứu khoa học cho thấy nếu mẹ ăn không đủ năng lượng thì sữa mẹ vẫn đầy đủ các thành phần đạm, béo, năng lượng và chất khoáng (calcium), không ảnh hưởng đến lượng sữa tiết ra.

Tuy nhiên, chế độ ăn của mẹ sẽ ảnh hưởng đến thành phần các vitamin và khoáng chất khác trong sữa mẹ: vitamin A, các vitamin B, selen và i-ốt.

Nhưng nếu mẹ bị suy dinh dưỡng nặng thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến lượng và chất của sữa mẹ.

2. Uống nước

Cần uống lượng nước bao nhiêu là đủ để bù vào lượng sữa tiết ra nuôi con mỗi ngày? Uống nước đủ là khi mẹ không thấy khát và không có dấu hiệu thiếu nước (nước tiểu đậm màu, giảm số lần đi tiểu, môi khô). Mẹ nên trang bị 1 bình nước lọc bên cạnh để "nhắc" mình uống nước.

3. Vitamin và chất khoáng

Nếu mẹ ăn uống đầy đủ, cân đối, có ăn thịt, cá thì không cần phải uống thêm vitamin gì, trừ khi mẹ ăn uống quá kém.

Tuy nhiên, cái cần lưu ý là mẹ phải nạp vào đủ lượng vitamin D và calcium.

Sau đây là các khuyến cáo bổ sung cho các bà mẹ sau sinh:

Calcium: khi mẹ có bầu và cho con bú, mật độ xương sẽ bị giảm tạm thời, khi ngừng cho con bú mật độ xương sẽ trở về bình thường.

Tuy nhiên, kể cả có bầu, có cho con bú hay không thì tất cả phụ nữ đều cần phải nạp vào tối thiểu 1000mg calcium mỗi ngày.

Calcium có nhiều trong: sữa (sữa bò, sữa đậu nành)và các sản phẩm của sữa, rau lá xanh đậm. Nếu không ăn/ uống đủ lượng calcium thì cần uống thêm calcium bổ sung.

Vitamin D: các bà mẹ (cho con bú hay không) đều cần 600 đơn vị vitamin D/ ngày. Vitamin D có trong sữa, thuốc bổ sung.

Các mẹ thường hỏi: "Uống vitamin D để qua sữa cho con khỏi uống được không?"

Một số bằng chứng cho thấy mẹ phải uống với liều rất cao là 6000 đơn vị/ ngày (gấp 10 lần nhu cầu) thì có thể tăng lượng vitamin D trong sữa cho con bú. Nhưng các tổ chức y khoa không khuyến cáo điều này.

Sắt: Nếu người mẹ không bị thiếu máu sau sinh thì không cần uống thêm thuốc sắt, vì mẹ cho con bú chỉ cần 9mg sắt/ ngày, trong khi mẹ không cho con bú thì cần đến18mg/ ngày (vì nếu mẹ cho con bú hoàn toàn sẽ không bị mất máu qua kinh nguyệt), ngoài ra thuốc sắt có thể làm cho mẹ bị táo bón. Nhưng nếu mẹ bị thiếu máu thì cần phải uống bổ sung sắt theo y lệnh bác sĩ.

4. Thuốc

Nếu mẹ phải uống thuốc, một số thuốc có thể tiết qua sữa mẹ. Vì vậy mẹ nên hỏi bác sĩ về việc dùng thuốc trong thời gian đang cho con bú.

5. Bia, rượu

Khi mẹ uống bia, rượu, 1 lượng nhỏ sẽ qua sữa mẹ. Với lượng lớn, bia rượu sẽ làm con bị chậm tăng trưởng, không tăng cân, bị ngủ "sâu" (rất nguy hiểm), giảm tiết sữa mẹ … Nhưng khi bia rượu đã được thải ra khỏi người mẹ thì trong sữa mẹ cũng không còn nữa.

Vậy mẹ uống bia, rượu được không?

Trung bình mất khoảng 2 tiếng để 1 đơn vị bia, rượu được thải hoàn toàn ra ngoài (1 đơn vị tương đương 10g ethanol, ví dụ 250 ml bia 4 độ cồn, 76 ml rượu nhẹ 13 độ cồn, hoặc 25ml rượu mạnh 40 độ). Vì vậy, nếu mẹ có "lỡ" uống 1 lượng bia/rượu như vậy thì đợi hơn 2 tiếng mới cho con bú.

6. Cà phê

Mẹ cho con bú thì uống cà phê được không? Khi mẹ uống cà phê, 15 phút sau là sẽ có caffein trong sữa mẹ và mất hơn 6 tiếng để thải hết caffein ra ngoài. Khoảng 1% lượng caffein sẽ qua sữa mẹ.

Viện Hàn lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo có thể uống trung bình 2-3 tách thức uống có chứa cà phê/ ngày (lượng caffeine trong tất cả các loại thức uống, đồ ăn không được quá 300mg/ ngày). Tốt nhất là mẹ hãy "nhìn" phản ứng của con, nếu chỉ cần 1 ngụm nhỏ mà con đã có những biểu hiện khó chịu (ví dụ: rối loạn giấc ngủ) thì mẹ tạm ngưng cà phê.

Và mẹ ráng "nhịn" cho đến khi ít nhất con trên 3 tháng tuổi hãy uống cà phê vì lúc này cơ thể con có thể thải caffein ra được nhanh hơn.

7. Mùi vị trong sữa mẹ

Con có thể "nếm" được mùi vị của các thức ăn uống trong chế độ ăn của mẹ. Nếu mẹ thấy con có biểu hiện đầy bụng, khó tiêu, bứt rứt sau khi mẹ ăn loại thức ăn nào đó, mẹ nên tạm ngưng ăn thức ăn đó để theo dõi.

Ngoài ra, mẹ cũng chú ý phản ứng "dị ứng" của con xem có liên quan đến thức ăn mà mẹ ăn vào không, như: da nổi mề đay, mẩn đỏ, con khò khè, khó thở, đi tiêu phân xanh, nhày nhớt …

8. Giảm cân

Hầu hết sau sinh, các mẹ sẽ dần dần trở về cân nặng cũ. Cho con bú sữa mẹ hoàn toàn là một trong những cách giảm cân tốt nhất. Mỗi ngày cơ thể sẽ tự động "rút" 170kcal để tạo sữa mẹ nên người mẹ có thể tự giảm được 0.8kg/tháng khi cho con bú.

Cũng nhắc lại trong chế độ ăn, dù ăn ít nhưng cân đối dinh dưỡng và đảm bảo không thiếu chất (có thể uống thuốc bổ sung hợp lý) và tập thể dục đúng cách có thể giúp mẹ giảm cân mà không ảnh hưởng đến lượng sữa và con vẫn tăng cân tốt.

Chăm con khỏe thì mẹ không những cần phải khỏe mà cũng cần phải đẹp. Thương chúc các mẹ luôn trẻ, khỏe, đẹp cùng con.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Đâu là độ tuổi phù hợp để con bạn dùng smartphone?

Đâu là độ tuổi phù hợp để con bạn dùng smartphone?

Các nhà nghiên cứu tại Mỹ đề xuất cha mẹ nên trì hoãn việc cho trẻ sử dụng smartphone cho đến khi trẻ 14 tuổi. Với mạng xã hội, cột mốc này là 16 tuổi. Vậy làm thế nào để giúp trẻ tránh xa điện thoại?
Cách đông lạnh rau quả an toàn và không mất chất dinh dưỡng

Cách đông lạnh rau quả an toàn và không mất chất dinh dưỡng

Nhiều người cho rằng rau quả đông lạnh ít dinh dưỡng hơn rau tươi, nhưng trên thực tế cả hai loại đều chứa lượng vitamin và khoáng chất tương tự nhau. Thậm chí đông lạnh đúng cách còn giúp tránh thất thoát dinh dưỡng trong rau quả sau khi thu hoạch.
Tăng chiều cao tối ưu cho trẻ bằng cách tập thể dục

Tăng chiều cao tối ưu cho trẻ bằng cách tập thể dục

Nhiều người cho rằng gen di truyền sẽ quyết định chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, chiều cao của trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó phải kể đến dinh dưỡng, thói quen và tập luyện thể dục.
Dấu hiệu nhiễm giun khi nuôi chó mèo

Dấu hiệu nhiễm giun khi nuôi chó mèo

Gia đình tôi nuôi nhiều chó, mèo. Tôi được biết những động vật này dễ gây nhiễm giun đũa. Xin hỏi dấu hiệu nhiễm giun đũa và cần làm gì để đề phòng?
Lợi ích của việc để trẻ buồn chán

Lợi ích của việc để trẻ buồn chán

Trẻ dễ thấy buồn chán trong thời gian nghỉ hè nên phụ huynh thường lo lắng "kiếm gì cho chúng nó chơi" mà quên mất rằng để trẻ ngồi không cũng có những lợi ích.
Thiếu canxi cần phòng ngừa như thế nào?

Thiếu canxi cần phòng ngừa như thế nào?

Canxi rất quan trọng với cơ thể, là thành phần chủ yếu cấu tạo nên xương và răng, chiếm khoảng 99%. Vì vậy, việc thiếu canxi có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng ở cả người lớn và trẻ em.
7 biểu hiện cho thấy cơ thể thiếu canxi cần bổ sung

7 biểu hiện cho thấy cơ thể thiếu canxi cần bổ sung

Canxi không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với xương và răng, mà còn là một phần không thể thiếu đối với hệ thần kinh, cơ bắp và hệ thống miễn dịch. Vậy khi cơ thể bị thiếu canxi thì sẽ có biểu hiện như thế nào?
5 quy tắc quan trọng khi cho trẻ đi bơi

5 quy tắc quan trọng khi cho trẻ đi bơi

Một hoạt động mà trẻ rất yêu thích khi vào hè là bơi lội nên phụ huynh cần cảnh giác tối đa trước những hiểm họa tiềm tàng có thể xuất hiện khi trẻ chơi dưới nước.
Viêm loét dạ dày và cách phòng ngừa

Viêm loét dạ dày và cách phòng ngừa

Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa ngày càng phổ biến. Khi phát hiện sớm, bệnh dễ dàng được chữa khỏi, nhưng nếu để kéo dài, bệnh sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, thậm chí là ung thư dạ dày.