Đứng đầu trong danh sách trên là Wisent 2 - mẫu xe công binh tối tân nhất của quân đội Đức mới vào biên chế từ năm 2012, do công ty FFG nghiên cứu và phát triển dựa trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2.
Wisent 2 đi tiên phong trong xu hướng xe công binh vạn năng với sự kết hợp giữa xe cứu kéo ARV (Amored Recovery Vehicle) và xe công binh AEV (Amored Egineering Vehicle). Điểm nổi bật của Wisent 2 là có thể thay thế giữa cần trục và gàu xúc để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau
Chiếc xe công binh vạn năng này có trọng lượng 60 tấn, trang bị động cơ Turbo V12 MTU MB873 Ka501 công suất 1.500 mã lực, cho phép thực hiện mọi nhiệm vụ với những “cánh tay” của mình, bên cạnh đó xe còn được lắp đặt hệ thống điện tử hiện đại và phòng chống vũ khí xạ - sinh - hóa.
Wisent 2 dễ dàng cứu kéo một chiếc tăng chủ lực Leopard 2A6 trọng lượng trên 60 tấn, cẩu các loại hàng hóa có khối lượng 32 tấn, hay xúc gàu đất nặng 4 tấn…
Kế tiếp là Trojan - mẫu xe công binh vạn năng do Tập đoàn BAE Systems phát triển dựa trên khung gầm xe tăng chủ lực Challenger 2, nó chính thức được trang bị cho quân đội Hoàng gia Anh từ năm 2007.
Quân đội Anh đang khai thác sử dụng tổng cộng 33 chiếc Trojan tại nhiều địa điểm đóng quân, từ quê nhà cho đến Trung Đông khắc nghiệt. Trọng lượng không tải của chiếc Trojan là 62,5 tấn.
Trojan được lắp động cơ Perkins CV12 diesel công suất 1.200 mã lực, cho phép thực hiện nhiều nhiệm vụ như cứu kéo xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2, gàu xúc có thể xúc khối đất nặng 6,5 tấn hay kẹp giữ một chiếc xe ô tô, ngoài ra nó còn tích hợp cả bộ rà phá bom mìn Python…
Trong tương lai, quân đội Hoàng gia Anh dự định đặt mua thêm loại xe bắc cầu Titan có nhiều điểm thiết kế tương đồng với xe công binh vạn năng Trojan.
BREM-1M là chiếc xe công binh đa năng của quân đội Nga, được Tập đoàn Uralvagonzavod chế tạo dựa trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-90.
BREM-1M chính mẫu xe công binh có số lượng lớn nhất, lên tới 342 chiếc, nó đang phục vụ trong quân đội Nga cùng với Algeria, Azebaijan, Ấn Độ, Turkmenistan, Venezuela, Iraq...
Trọng lượng của BREM-1M khá nhẹ chỉ 41 tấn, trang bị động cơ V-92S công suất 1.000 mã lực. BREM-1M được đánh giá có khả năng cứu kéo chiếc T-14 Armata trong khi cần trục cẩu được một chiếc BTR-82AM.
Tập đoàn Uralvagonzavod thường chào hàng gói trang bị gồm 3 chiếc T-90S và 1 chiếc BREM-1M để tăng hiệu quả hoạt động trên chiến trường, rất có thể loại xe này sẽ đi kèm với những chiếc T-90 Việt Nam sắp nhận từ Nga.
Xe công binh vạn năng Leclerc DNG được sửa đổi khung gầm xe tăng AMX-56 Leclerc do Tập đoàn Nexter chế tạo vào năm 1999 cho quân đội Pháp để thay thế “người tiền nhiệm” AMX-30D đã cao tuổi.
Leclerc DNG có trọng lượng 59 tấn, trang bị động cơ MTU 883 V12 diesel công suất 1.500 mã lực, nó dễ dàng thực hiện các nhiệm vụ bao gồm cứu kéo xe tăng chiến đấu chủ lực AMX-56 Leclerc, ủi đất, xây dựng chiến hào…
“Cánh tay” của Leclerc DNG có thể nhấc khối lượng tương đương một chiếc xe thiết giáp kháng mìn MRAP Buffalo. Ngoài ra, nó còn được trang bị 1 súng máy 12,7 mm cùng lớp giáp tiên tiến để tự vệ trước kẻ thù.
Lực sĩ M88A2 Hercules của quân đội Hoa Kỳ được hãng BAE Systems của Anh chế tạo theo đơn đặt hàng. Chiếc M88A2 được xem như vị cứu tinh duy nhất của xe bọc thép Mỹ gặp nạn trên chiến trường Trung Đông.
M88A2 được lắp động cơ diesel Continental AVDS-1790-8DR công suất 1.050 mã lực, cho khả năng thực thi các nhiệm vụ như cứu kéo xe tăng chủ lực M1A2 SEPV2 hay thậm chí là cẩu một chiếc MRAP Cougar 6x6…
Ngoài ra M88A2 cũng được trang bị súng máy 7,62 mm, hệ thống phòng chống vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như các ống phóng đạn khói ngụy trang...