15 năm sống lưu vong của ông Thaksin

Cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra rời khỏi Thái Lan vào năm 2008, sống lưu vong chủ yếu ở Dubai trước khi quyết định hồi hương vào hôm nay.

“Đã đến lúc tôi về bên người dân Thái Lan”, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra sáng nay nói tại sân bay Seletar của Singapore, trước khi lên phi cơ trở về Thái Lan. Sau 15 năm sống lưu vong và nhiều lần hứa hẹn hồi hương, cựu thủ tướng cuối cùng đã về Bangkok lúc 9h.

15 năm sống lưu vong của ông Thaksin

Cựu thủ tướng Thaksin tại sân bay ở Bangkok ngày 22/8. Ảnh: AFP.

Ông Thaksin sinh ngày 26/7/1949 trong một gia đình người Hoa ở phía bắc tỉnh Chiang Mai, Thái Lan. Ông từng là sĩ quan cảnh sát trước khi tích lũy được khối tài sản, thành lập loạt công ty mạng dữ liệu và điện thoại di động mà về sau trở thành tập đoàn viễn thông khổng lồ Shin Corp.

Năm 1998, ông thành lập đảng mang tên Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái). Ông được bầu làm thủ tướng năm 2001, trở thành thủ tướng đầu tiên của Thái Lan hoàn thành đủ nhiệm kỳ.

Với nền kinh tế Thái Lan lao đao sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, ông Thaksin cam kết sử dụng kiến thức kinh doanh để vực dậy và đưa người dân vùng nông thôn thoát khỏi đói nghèo với dự án Thaksinomics.

Ông Thaksin tái đắc cử với chiến thắng vang dội vào năm 2005 nhờ làn sóng ủng hộ lớn từ cử tri vùng nông thôn. Năm 2006, ông vướng cáo buộc tham nhũng và sa lầy trong những tranh cãi về việc bán cổ phiếu Shin Corp miễn thuế.

Những cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng đã dẫn tới cuộc đảo chính vào tháng 9/2006. Cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của Thủ tướng Thaksin diễn ra giữa lúc ông tham dự hội nghị của Liên Hợp Quốc ở New York. Ông Thaksin rời New York tới Anh vì có người thân ở đó.

Ngày 2/10/2006, ông Thaksin và cấp phó Somkid Jatusipitak từ chức khỏi đảng Thai Rak Thai. Tới cuối tháng 5/2007, đảng bị giải tán theo yêu cầu của Tòa án Hiến pháp. Hơn 100 thành viên chủ chốt của đảng, trong đó có ông Thaksin, bị cấm tham gia chính trường trong 5 năm, dựa trên cáo buộc từng hối lộ một đảng nhỏ hơn trong cuộc bầu cử hồi tháng 4/2006.

Đảng Thai Rak Thai bị giải tán nhưng sau đó đã phát triển thành đảng Pheu Thai, đưa em gái của ông Thaksin là Yingluck lên nắm quyền vào năm 2011.

Tháng 5/2007, Thủ tướng Surayud Chulanont nói ông Thaksin được phép trở về Thái Lan và cá nhân ông sẽ đảm bảo an toàn cho cựu thủ tướng. Tháng 1/2008, vợ ông Thaksin là bà Potjaman bị bắt khi tới Bangkok nhưng được tại ngoại sau khi xuất hiện tại Tòa án Tối cao.

Ngày 28/2/2008, ông Thaksin trở về Bangkok. Ông tuyên bố không tái tham gia chính trị và muốn tập trung vào lĩnh vực bóng đá, sau khi mua câu lạc bộ bóng đá Manchester City năm 2007. Ông không nhận tội trước Tòa án Tối cao Thái Lan vào tháng 3/2008. Ông được yêu cầu trở lại Thái Lan vào ngày 11/4/2008 sau khi tòa cho phép ông tới Anh một tháng.

Vào tháng 6/2008, Tòa án Tối cao từ chối yêu cầu đến Trung Quốc và Anh của ông Thaksin do vụ án tham nhũng đang được xét xử. Bà Potjaman bị kết án ba năm tù ngày 31/7/2008 nhưng sau đó được tại ngoại.

Ngày 10/8/2008, ông Thaksin cùng vợ vi phạm điều khoản bảo lãnh khi đến Bắc Kinh tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè ở Bắc Kinh. Ông Thaksin sau đó không quay về Thái Lan với lý do tình hình không an toàn cho ông và gia đình.

Cựu thủ tướng được cho là xin tị nạn ở Anh, nói rằng đối thủ chính trị đang cố can thiệp vào hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, không có thông tin nào cho thấy yêu cầu của ông Thaksin được chấp nhận hay từ chối.

Tòa án Tối cao Thái Lan ngày 16/9/2008 phát lệnh bắt đối với ông Thaksin liên quan tới 4 vụ án tham nhũng chờ xét xử. Vào tháng này, ông Thaksin bán câu lạc bộ Manchester City với giá 200 triệu bảng Anh.

Ngày 21/10/2008, Tòa án Tối cao phán quyết ông Thaksin, khi là thủ tướng, đã lạm dụng quyền lực để giúp vợ mua đất công tại một cuộc đấu giá. Ông Thaksin sau đó nói với Reuters rằng “tôi biết trước mọi chuyện sẽ thế này”, thêm rằng sự việc có động cơ chính trị.

Tháng 11/2008, người phát ngôn chính phủ Philippines nói rằng họ sẽ “lịch sự” từ chối yêu cầu xin tị nạn chính trị của ông Thaksin do Manila có quan hệ thân thiện với Bangkok.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ Anh thu hồi thị thực của bà Potjaman và ông Thaksin. Đại sứ quán Anh ở Bangkok gửi email cho các hãng hàng không yêu cầu họ không cho phép hai người lên chuyến bay tới Anh. Vào cuối năm 2008, hãng tin Arabian Business cho biết Anh đã đóng băng 4,2 tỷ USD tài sản của ông Thaksin. Chính phủ Anh không xác nhận hay bác bỏ thông tin.

Ông Thaksin được cho là đã xem xét tị nạn ở một số nơi như Trung Quốc, Bahamas, Nicaragua cùng một số nước khác ở Nam Mỹ và châu Phi. Ông Thaksin được cấp hộ chiếu ngoại giao của quốc gia Trung Mỹ Nicaragua.

Tháng 11/2008, vợ chồng ông Thaksin ly dị sau 32 năm chung sống trong khi ở Hong Kong. Một tháng sau, ông Thaksin được cấp phép cư trú ở Đức nhưng bị thu hồi vào ngày 28/5/2009. Tới ngày 15/7/2011, Đức dỡ lệnh cấm ông Thaksin vào nước này, sau chiến thắng của đảng Pheu Thai.

Từ năm 2009, ông Thaksin được cho là chủ yếu sống ở Dubai. Ông thường xuyên sử dụng mạng xã hội Clubhouse với biệt danh Tony Woodsome để gửi thông điệp đến người ủng hộ ở Thái Lan.

Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 11/2009, ông Thaksin nói với Times rằng ông có khoảng 100 triệu USD và đã đầu tư vào lĩnh vực vàng, kim cương và xổ số ở nhiều quốc gia. Một phát ngôn viên cho biết ông Thaksin di chuyển quốc tế bằng 6 hộ chiếu, không sử dụng hộ chiếu Thái Lan. Montenegro, quốc gia Đông Nam Âu, đã cấp quốc tịch cho ông.

Ở Thái Lan, vào giữa tháng 4/2009, các cuộc biểu tình của phe áo đỏ ủng hộ ông Thaksin nổ ra và leo thang thành bạo lực, khiến Bangkok ban bố tình trạng khẩn cấp và dẫn tới hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Pattaya. Ông Thaksin ủng hộ các cuộc biểu tình của phe áo đỏ, tuy nhiên khẳng định ông không lãnh đạo nhóm này mà chỉ cung cấp “hỗ trợ tinh thần”.

Nhiều nhà quan sát cho rằng ông Thaksin vẫn duy trì ảnh hưởng với Pheu Thai, đảng đứng thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử Thái Lan hồi tháng 5. Con gái út của ông, Paetongtarn, từng là ứng viên thủ tướng của Pheu Thai nhưng hiện nhiều khả năng sẽ giữ vai trò ngoại trưởng nếu đảng này thành lập được chính phủ.

Sau nhiều lần hứa hẹn trở về, ông Thaksin về Thái Lan vài tiếng trước khi quốc hội bỏ phiếu bầu thủ tướng. Pheu Thai cùng 10 đảng khác thành lập liên minh với 314 ghế tại Hạ viện Thái Lan để nắm quyền. Liên minh này có hai đảng thân quân đội, điều làm phật ý một số người ủng hộ. Tỷ phú Srettha Thavisin, 60 tuổi, được đề cử là ứng viên thủ tướng của liên minh.

Có nhiều đồn đoán rằng việc Pheu Thai lập liên minh với đối thủ là một phần thỏa thuận ông Thaksin có thể đã thiết lập để được trở về Thái Lan. Trong khi đó, Pheu Thai bác bỏ sự tham gia của ông Thaksin trong nỗ lực thành lập chính phủ.

Cựu thủ tướng Thaksin từng cho biết động lực để ông quay về Thái Lan là để dành thời gian bên con cháu.

"Tôi đã được tự do đi bất kỳ nơi nào trên thế giới, nhưng phải chịu án tù xa gia đình. Nếu trở về và phải ngồi trong một nhà tù nhỏ hơn, điều đó không thành vấn đề", ông nói.

Theo Thanh Tâm/VnExpress (AFP, Forbes, Nikkei Asia)

Đọc thêm

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Cảnh sát tại nhiều nước châu Âu đã bắt giữ 43 người và thu giữ 520 triệu euro (547 triệu USD) trong cuộc điều tra của Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) và cảnh sát Italy về hành vi trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua rửa tiền cũng như điều tra các hoạt động tội phạm có tổ chức.
Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.