1. Dành nhiều thời gian bên cạnh con: Học thuyết gắn bó của Bowlby và Ainsworth đã chỉ ra những đứa trẻ nhận được sự nuôi dưỡng, chăm sóc ấm áp có thể hình thành sự gắn bó an toàn. Đứa trẻ này có tiềm năng để phát triển tích cực và nhiều triển vọng hơn những đứa trẻ khác. Ngoài ra, bộ não con người phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm do nó được định hình bởi kinh nghiệm sống và sự tương tác giữa con người. Nếu được sống cùng những người cha, người mẹ ấm áp, nhiều tình thương, trẻ sẽ có được nền tảng sức khỏe tinh thần vững vàng. Vì thế, để giúp trẻ mạnh mẽ hơn trong tương lai, cha mẹ cần cùng nhau nuôi dạy, vun đắp tình cảm cho con. Ảnh: SekolahDasar.
2. Dạy con điều tiết cảm xúc: Biết kiềm chế và tự điều chỉnh cảm xúc là yếu tố quan trọng giúp con người thành công và trở nên hạnh phúc. Đây không phải kỹ năng tự có, nó được rèn luyện và trau dồi qua thời gian. Vì thế, ngay từ bé, cha mẹ cần dạy con cách kiểm soát cảm xúc của bản thân. Tuy nhiên, bạn không thể dạy trẻ qua những lời nói suông, cần làm gương để trẻ nhìn theo và học hỏi, từ đó dần hình thành thói quen cho mình. Ảnh: Business Insider
3. Dạy con tự đưa ra quyết định: Là cha mẹ, ai cũng muốn bảo vệ con và cho con cuộc sống tốt nhất. Tuy nhiên, việc kiểm soát và chiếm toàn quyền quyết định có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Để trẻ có thể tự đưa ra những quyết định đúng đắn trong tương lai, cha mẹ hãy rèn cho con thói quen tự quyết định, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Ví dụ, bạn có thể cho con tự chọn quần áo, đồ chơi. Nếu trẻ gặp khó khăn, bạn có thể gợi ý, nhưng quyền quyết định vẫn hoàn toàn nằm trong tay trẻ. Bên cạnh việc học đưa ra những lựa chọn đúng, sự tự do trong lựa chọn cũng là động lực để trẻ phấn đấu hơn. Các em sẽ biết cố gắng để nắm bắt lựa chọn của mình. Ảnh: Red Tricycle.
4. Tạo thử thách cho con: Trẻ cần có động lực phấn đấu để hướng đến mục tiêu. Tuy nhiên, những thử thách quá dễ, hoặc quá khó, sẽ khiến trẻ không còn hứng thú. Vì thế, cha mẹ cần tạo cho con những thử thách vừa phải và tăng cấp độ theo thời gian. Cách này sẽ giúp các em xây dựng các kỹ năng và có động lực thực hiện. Ví dụ, nếu trẻ đã quá chán với việc vẽ tranh trên giấy, bạn có thể yêu cầu con vẽ trên những chất liệu khác như bảng đen, nền đất để thay đổi không khí và tạo hứng thú. Ảnh: Healthline
5. Kỷ luật tích cực: Phạt con dựa trên sự tích cực và tử tế sẽ tạo ra nhiều thay đổi theo chiều hướng tốt hơn kiểu phạt con bạo lực. Nhiều cha mẹ hổ cho rằng nếu phạt con theo kiểu "dễ dãi" sẽ không có tác dụng. Tuy nhiên, "tử tế" không có nghĩa là "dễ dãi" với con. Kỷ luật tích cực là phương pháp dạy con tập trung vào sự tôn trọng lẫn nhau. Bên cạnh việc giúp trẻ nhận ra sai lầm và rút kinh nghiệm, cách làm này giúp trẻ hình thành tư duy phản biện và củng cố kỹ năng lập luận thông qua những lần trò chuyện, phân tích đúng sai cùng cha mẹ. Ảnh: USA Today.