Thay đổi quy định về đèn giao thông
Theo Luật Trật tự an toàn giao thông 2024, người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành tín hiệu đèn giao thông.
Cụ thể, tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;
Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp;
Trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác;
Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.
Mức phạt đối với hành vi không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô quy định tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền 3-5 triệu đồng.
Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng. Vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2-4 tháng.
Ngoài ra, mức phạt đối với xe máy vi phạm được quy định tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng.
2. Thêm trường hợp không được dừng xe, đỗ xe
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung thêm một số vị trí so với Luật hiện hành. Đây cũng là điều các tài xế cần đặc biệt lưu ý để tránh vi phạm.
Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 18 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí: Bên trái đường một chiều; Trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc mà tầm nhìn bị che khuất;
Trên cầu, trừ những trường hợp tổ chức giao thông cho phép; Gầm cầu vượt, trừ những nơi cho phép dừng xe, đỗ xe; Song song cùng chiều với một xe khác đang dừng, đỗ trên đường;
Cách xe ô tô đang đỗ ngược chiều dưới 20m trên đường phố hẹp, dưới 40 mét trên đường có một làn xe cơ giới trên một chiều đường;
Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 05 mét tính từ mép đường giao nhau; Điểm đón, trả khách;
Không được dừng xe, đỗ xe trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ra, vào; Tại nơi phần đường có chiều rộng chỉ đủ cho một làn xe cơ giới; Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
Che khuất biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông; Trên đường dành riêng cho xe buýt, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; trên lòng đường, vỉa hè trái quy định của pháp luật.
Nếu vi phạm, mức phạt đối với hành vi đỗ xe không đúng nơi quy định căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP tùy theo từng hành vi vi phạm.
Ô tô vi phạm bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 12 triệu đồng. Với hành vi bị phạt 10-12 triệu đồng còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2-4 tháng;
Xe máy vi phạm bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 5 triệu đồng; Xe chuyên dùng mức phạt từ 300.000 đồng đến 8 triệu đồng; Xe đạp phạt 80.000-100.000 đồng
3. Thay đổi khung giờ bật đèn xe
Khung giờ bắt buộc bật đèn xe từ ngày 1/1/2025 căn cứ vào quy định tại Điều 20 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024.
Cụ thể, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải bật đèn chiếu sáng phía trước trong thời gian từ 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn.
Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tắt đèn chiếu xa, bật đèn chiếu gần trong các trường hợp: Khi gặp người đi bộ qua đường; đi trên các đoạn đường qua khu đông dân cư có hệ thống chiếu sáng đang hoạt động;
Khi gặp xe đi ngược chiều, trừ trường hợp dải phân cách có khả năng chống chói; chuyển hướng xe tại nơi đường giao nhau.
Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng khi thực hiện công việc trên đường bộ phải bật sáng đèn cảnh báo màu vàng.
Hiện nay, điểm g khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP nêu chi tiết mức phạt đối với hành vi người điều khiển xe ô tô không sử dụng đèn chiếu sáng trong khung thời gian quy định . Theo đó, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Xe máy vi phạm lỗi này sẽ bị phạt tiền 100.000-200.000 đồng theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Ngoài ra, cả ô tô và xe máy nếu vi phạm hành vi trên mà gây tai nạn giao thông còn bị tước bằng lái 2-4 tháng.
4. Các trường hợp không được vượt xe
Người điều khiển phương tiện không được vượt xe trong các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 14 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, số 36/2024/QH15.
Cụ thể, không được vượt xe khi không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 14: xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác, đã có tín hiệu rẽ phải và tránh về bên phải.
Người điều khiển phương tiện không được vượt xe trên cầu hẹp có một làn đường; Đường cong có tầm nhìn bị hạn chế; Trên đường hai chiều tại khu vực đỉnh dốc có tầm nhìn bị hạn chế; Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt; Khi gặp xe ưu tiên;
Ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường; Khi có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường; Trong hầm đường bộ cũng là các trường hợp không được vượt xe.
Mức phạt đối với hành vi vượt xe không đúng quy định hiện nay như sau:
5. Điều chỉnh về các trường hợp xe máy được chở 3 không bị xử phạt
Theo quy định mới, thay đổi độ tuổi trẻ em được ngồi trên xe gắn máy khi chở thêm tối đa 2 người xuống 12 tuổi. Đồng thời bổ sung thêm trường hợp người già yếu hoặc người khuyết tật.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 33 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, số 36/2024/QH15 quy định người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ 4 trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:
Chở người bệnh đi cấp cứu; Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; Trẻ em dưới 12 tuổi; Người già yếu hoặc người khuyết tật.
Hiện nay, hành vi điều khiển xe máy chở quá số người quy định không thuộc trường hợp cho phép bị chịu mức phạt như sau: Trường hợp chở theo 2 người trên xe bị phạt tiền 300.000-400.000 đồng theo quy định tại điểm l khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Trường hợp chở theo từ 3 người trở lên trên xe phạt tiền 400.000-600.000 đồng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Nếu chở 3 thuộc trường hợp không cho phép mà gây tai nạn giao thông thì ngoài việc bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2-4 tháng theo Điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
6. Thay đổi quy định về khung giờ bấm còi xe
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, số 36/2024/QH15, đã có riêng 1 điều khoản quy định về việc sử dụng tín hiệu còi. Theo đó, người điều khiển phương tiện không sử dụng còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ xe ưu tiên.
Quy định hiện hành là cấm bấm còi trong thời gian từ 22h đến 5h, bấm còi hơi trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên.
Hiện nay, nếu ô tô bấm còi xe trong thời gian cấm sẽ bị phạt tiền 200.000-400.000 đồng theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Vi phạm quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe2-4 tháng theo điểm c khoản 10 Điều 6.
Với xe máy vi phạm bị phạt tiền 100.000-200.000 đồng theo quy định tạ điểm n khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Nếu vi phạm hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2-4 tháng