Bác sĩ Trần Đức Cảnh, Khoa Thăm dò Chức năng và Nội soi, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), cho biết một số yếu tố nguy hại có thể gây ung thư, như sau:
Thuốc lá
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sử dụng thuốc lá gây ra nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư phổi, thanh quản, miệng, thực quản, họng, bàng quang, thận, gan, dạ dày, tuyến tụy, đại tràng, trực tràng và bệnh bạch cầu tủy cấp tính.
Người nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phế quản gấp 10 lần. Nếu nghiện nặng với liều hút trên 20 điếu mỗi ngày, nguy cơ cao gấp 15-20 lần. Hút thuốc ở tuổi càng trẻ càng có nguy cơ cao. Ngoài thuốc lá, hút thuốc lào, ăn trầu thuốc cũng có nguy cơ cao hơn, đặc biệt là ung thư khoang miệng.
Tia cực tím
Tia cực tím gây tổn thương ADN và dễ phát sinh bệnh ung thư. Mọi người ở mọi lứa tuổi đều nên hạn chế thời gian tiếp xúc với mặt trời, nhất là giữa buổi sáng, trưa, chiều muộn, đặc biệt tránh các nguồn bức xạ tia cực tím khác như giường tắm nắng.
Bức xạ
Bức xạ của các bước sóng, được gọi là bức xạ ion hóa, bao gồm radon, tia X, tia gamma và các dạng bức xạ năng lượng cao khác, có thể gây tổn thương ADN, làm tăng khả năng mắc ung thư.
Thực phẩm không đảm bảo
Nhiều bệnh ung thư có liên quan đến dinh dưỡng như ung thư thực quản, dạ dày, gan, đại trực tràng, vòm mũi họng, vú.
Nitrosamin và các hợp chất N-Nitroso khác là những chất gây ung thư thực nghiệm trên động vật, thường có mặt trong thực phẩm với một lượng nhỏ. Chất nitrit và nitrat có trong các chất bảo quản thịt, cá và thực phẩm chế biến. Tiêu thụ nhiều thực ăn có chứa nitrit, nitrat có thể gây ra ung thư thực quản, dạ dày.
Aflatoxin sinh ra từ nấm mốc aspergillus flavus, là một chất gây ung thư gan, thường có trong các loại ngũ cốc bị mốc, nhất là lạc mốc.
Lạc là món ăn dân dã thơm ngon nhưng nếu để bị mốc có nguy cơ gây ung thư nếu ăn. Ảnh: Bùi Thủy
Thực phẩm ướp muối hoặc ngâm muối như cá muối, hàm lượng nitrosamin cao, liên quan đến ung thư vòm mũi họng. Các nhà khoa học Nhật Bản chỉ ra việc tiêu thụ nước mắm, chứa một hàm lượng nitrosamin cao, liên quan ung thư dạ dày.
Sử dụng một số phẩm nhuộm thực phẩm, như chất Paradimethyl Amino Benzen dùng để nhuộm bơ thành “bơ vàng”, cũng có khả năng gây ung thư gan. Thực phẩm có chứa các dư lượng, tàn tích của các thuốc trừ sâu, không chỉ có thể gây ra ngộ độc cấp tính mà còn khả năng gây ung thư.
Tác nhân truyền nhiễm
Một số tác nhân truyền nhiễm, bao gồm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng có thể gây ung thư hoặc làm tăng nguy cơ ung thư hình thành, ví dụ Epstein-Barr virus, HBV và HCV, HIV, HPVs, HTLV-1. Một số virus có thể phá vỡ các tín hiệu dùng để kiểm tra sự phát triển và tăng sinh của tế bào.
Các tác nhân truyền nhiễm còn gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng, làm suy yếu hệ thống miễn dịch, gây viêm mãn tính, từ đó nguy cơ dẫn đến ung thư.
Bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng bằng cách thay đổi lối sống, tiêm vaccine, quan hệ tình dục lành mạnh và không dùng chung kim tiêm.