Video: 12 năm sống khổ vì quy hoạch “treo” ở phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh)
Không dám treo biển nhà văn hóa khối phố
Ông Nguyễn Văn Lực - Trưởng khối phố Linh Tân cho biết, năm 2006, người dân khối phố Linh Tân được chính quyền thông báo và cắm mốc quy quy hoạch dự án đường Xô viết Nghệ Tĩnh kéo dài phía Tây (còn gọi là đường 70), đi qua địa bàn thôn Linh Tân. Theo đó, đường 70 ảnh hưởng đến 82 hộ dân và hệ thống hạ tầng giao thông, nhà văn hóa khối phố. Tuy nhiên, sau 12 năm, dự án vẫn “treo” trên giấy, khiến 82 hộ dân khối phố Linh Tân phải sống trong cảnh tạm bợ, thấp thỏm lo âu với muôn vàn khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hoan đang phải sống trong căn nhà xuống cấp trầm trọng, muốn sửa chữa nhưng không được phép
Chứng kiến sự xập xệ của nhà văn hóa khối phố Linh Tân, ít ai có thể nghĩ rằng đây là nơi sinh hoạt cộng đồng của một khối phố thuộc thành phố Hà Tĩnh. Khuôn viên tường rào đổ nát, phủ đầy cỏ dại, tường, nền nhà bong tróc, rêu phủ kín từng mảng, mái ngói lộ thiên.
“Nhiều năm qua, khi tổ chức họp tổ dân phố tại nhà văn hóa, bà con phải mặc áo mưa, đội mũ bảo hiểm vì sợ ngói rơi trúng đầu. Mọi sinh hoạt văn hóa hầu như tê liệt. Chúng tôi cũng không dám treo biển nhà văn hóa khối phố vì quá xấu hổ” – ông Lực chua chát.
Cũng theo ông Lực, đầu năm 2018, thành phố có hỗ trợ khối phố làm thêm nhà tạm bằng tôn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, vì sinh hoạt trong nhà tạm này rất nóng bức, phải họp ngoài sân.
Khốn khổ vì "4 không"
Theo thông báo của cơ quan chức năng, các hộ dân trong diện quy hoạch không được tách hộ khẩu, không được tách sổ đỏ, không được bán đất và không được xây dựng các công trình nhà ở, công trình phụ trợ.
Năm nay đã 80 tuổi nhưng mong ước được ở trong ngôi nhà khang trang hơn đối với ông Nguyễn Văn Hoan vẫn đang là giấc mơ. Ngôi nhà cấp bốn của gia đình ông Hoan được làm từ những năm 60 - 70, nay đã xuống cấp trầm trọng. Mái ngói và hệ thống cột, kèo, rui mèn… đã mục nát. Tuy nhiên, vì vướng quy hoạch đường 70 nên mỗi lần xin cấp phép xây dựng nhà, ông Hoan đều bị từ chối.
Mặc dù được thừa hưởng mảnh đất cha ông để lại với diện tích hơn 2.700m2 nhưng ông Hoan cũng không thể tách bìa để chia cho các con ra ở riêng. “Các con tôi đã lập gia đình và muốn tách hộ để tiện công việc nhưng không được. Ngành chức năng yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để phù hợp pháp lý trong đền bù, giải tỏa" – ông Hoan buồn bã nói.
Bà Nguyễn Thị Tịnh và các thành viên trong gia đình phải sống chung với căn nhà xuống cấp hơn 10 năm nay
Gia đình bà Nguyễn Thị Tịnh là 1 trong 82 hộ phải chịu cảnh khốn khổ vì quy hoạch “treo” 12 năm qua. Ngoài việc nhà cửa xuống cấp không được sửa chữa, điều đau khổ nhất đối với bà Tịnh và các thành viên trong gia đình đó là phải chịu cảnh sử dụng nhà vệ sinh “nổi” suốt nhiều năm qua.
“Tôi năm nay đã 60 tuổi. Tuổi già, muốn xây nhà vệ sinh tự hoại để sử dụng đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường nhưng cũng không thể vì đầu tư nhà vệ sinh cũng mất 40-50 triệu đồng. Nếu sau này di dời vừa mất công và không biết có được đền bù không” – bà Tịnh nói.
Điều khổ sở đối với bà Tịnh và các thành viên trong gia đình đó là phải chịu cảnh sử dụng nhà vệ sinh “nổi” suốt nhiều năm qua.
Được biết, không chỉ gia đình bà Tịnh mà còn nhiều gia đình ở đây không dám sửa chữa, nâng cấp, xây dựng các công trình vệ sinh. Điều này, làm ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề vệ sinh môi trường của cộng đồng dân cư.
“Chúng tôi đã chịu đựng quy hoạch “treo này suốt 12 năm qua. Mong muốn của người dân nơi đây là nhà nước cần khẩn trương triển khai dự án, tái dịnh cư cho người dân để ổn định cuộc sống” - Trưởng khối phố Linh Tân Nguyễn Văn Lực bày tỏ.