Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, thị trường tôm nuôi vụ đông gặp khó
Anh Nguyễn Thanh Sơn – chủ đầm tôm ở xã Kỳ Khang (Kỳ Anh) than thở: Để nuôi tôm vụ đông thành công là hết sức khó, bởi phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh thường xẩy ra, chi phí tăng cao do thời gian nuôi kéo dài. Vụ tôm này anh thả gần 2 triệu con tôm giống cho 3 ao nuôi và mang lại năng suất, sản lượng đạt cao.
Thế nhưng niềm vui ‘ngắn chẳng tày gang”, đến kỳ thu hoạch thì bị ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên sức mua giảm, khó bán. Với sản lượng gần 20 tấn tôm thương phẩm nhưng hiện tại anh mới chỉ bán được 6 tấn. Một số thương lái tìm đến hỏi mua nhưng lại ép giá, bởi vậy nếu bán thì lời lãi chẳng được bao nhiêu.
“Tôm vụ đông (trái vụ) thường được mua với giá rất cao so với tôm nuôi chính vụ. Thế nhưng năm nay giá tôm giảm khoảng 15 – 20% tùy theo kích cỡ tôm. Tôm của tôi hiện đang có kích cỡ 50 – 60 con/kg, giá chỉ 150 – 160.000 đồng/kg (thấp hơn trước đây từ 20 đến 30 ngàn đồng/ kg). Điều đáng nói nữa là nếu muốn tiêu thụ nhanh thì buộc mình phải hạ giá bán xuống thấp hơn nữa”, anh Sơn chia sẻ.
Không chỉ đầu ra gặp khó mà giá tôm cũng giảm xuống từ 15 - 20% so với những năm trước
Không chỉ anh Sơn mà nhiều hộ nuôi tôm vụ đông trên địa bàn tỉnh đều cho rằng: Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, các sự kiện, lễ hội không được tổ chức, khách du lịch cũng hạn chế nên sức tiêu thụ tôm giảm hẳn so với những năm trước đây. Mặt khác, tôm Hà Tĩnh cũng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc trong khi dịch Covid - 19 lại đang diễn biến phức tạp ở quốc gia này ...
Được biết, một số vùng nuôi ở xã Xuân Yên (Nghi Xuân), xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên), Thạch Trị (Thạch Hà) hiện đang có khoảng 60 -70 tấn tôm vụ đông nhưng chưa bán được vì không có người hỏi mua số lượng lớn. Hiện các hộ nuôi chủ yếu bán tỉa cho các tiểu thương buôn bán tại các chợ, nhà hàng, khách sạn với số lượng rất "khiêm tốn”.
Tôm nuôi trên địa bàn tỉnh đã đến kỳ thu hoạch nhưng sức tiêu thụ kém
Tình hình dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp nên một số người nuôi tôm trên địa bàn Hà Tĩnh đang thận trọng cho vụ nuôi đầu tiên trong năm nay. Anh Thân Văn Thành (thôn Bắc Hòa, xã Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên) cho biết: “Vùng nuôi tôm của tôi có diện tích 5ha với 9 ao nuôi nhưng đầu ra khó khăn, giá cả bấp bênh nên anh chỉ thả giống cho 3 ao nuôi. Thời gian tới, nếu đầu ra ổn định sẽ tiếp tục xuống giống cho 6 ao nuôi còn lại. Không riêng gì tôi mà những hộ nuôi tôm ở đây cũng đang cân nhắc đầu tư cho vụ tôm này”.
Đầu ra khó khăn, giá cả bấp bênh, người nuôi tôm thận trọng xuống giống cho vụ nuôi tôm đầu năm
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Sản Hà Tĩnh Lưu Quang Cần, nuôi tôm vụ đông chủ yếu tại các vùng nuôi tôm công nghệ cao trên cát bởi quy trình kỹ thuật đảm bảo, mang lại giá trị kinh tế rất cao. Song, đầu ra gặp nhiều khó khăn khiến người nuôi tôm thất thu. Trước đây, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh tiêu thụ 20 – 30 tấn tôm nhưng giờ chỉ bán được 2 – 3 tấn.
Thị trường tiêu thụ tôm trên địa bàn tỉnh chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp tại quốc gia này, ảnh hưởng tới thị trường, giá cả khiến người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh lo lắng.