Bài học từ chính quyền Xô viết Nghệ - Tĩnh năm 1930-1931

(Baohatinh.vn) - Phong trào Xô viết ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã để lại nhiều bài học quý báu về sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là vai trò của tổ chức Đảng ở các địa phương, cơ sở.

Tuy vừa mới ra đời, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đã kịp thời phát động và lãnh đạo phong trào cách mạng 1930-1931 diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh. Đây là mốc son chói lọi mở đầu trang sử oanh liệt của cách mạng Việt Nam, khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng.

Bài học từ chính quyền Xô viết Nghệ - Tĩnh năm 1930-1931

Phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh được thể hiện qua tranh sơn dầu

Bắt nguồn từ sự kiện kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 tại Vinh - Bến Thủy (Nghệ An), dưới sự lãnh đạo của Địa bộ phận Trung ương ở Trung Kỳ, hàng ngàn nông dân ở các huyện thuộc 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh từ Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thanh Chương đến Nghi Xuân, Can Lộc… phối hợp với công nhân Bến Thủy sát cánh bên nhau đứng lên biểu tình đòi tăng lương, bớt giờ làm, giảm sưu thuế, phản đối khủng bố… Với khí thế hào hùng, phong trào lan tỏa ra nhiều địa phương trong 2 tỉnh với nhiều hình thức đấu tranh phong phú.

Tiếp đó, ngày 1/8/1930, hàng loạt cuộc mít tinh, biểu tình nổ ra hầu hết các huyện của Nghệ - Tĩnh. Tại Can Lộc (Hà Tĩnh), nông dân 2 tổng Phù Lưu và Lai Thạch giương cao cờ búa liềm kéo vào huyện lỵ, buộc tri huyện phải cúi đầu chấp nhận yêu sách của quần chúng cách mạng. Ngày 30/8/1930, nông dân huyện Nam Đàn (Nghệ An) kéo về huyện lỵ phá nhà giam, tiến thẳng vào huyện đường buộc tri huyện phải ký văn bản: “Tri huyện Nam Đàn xin hứa không nhũng nhiễu dân”…

Đến tháng 9/1930, phong trào tiếp tục nổi lên rầm rộ, xuất hiện các đội tự vệ đỏ và nông hội đỏ… dẫn đầu đoàn biểu tình kéo về các huyện lỵ như ở Thanh Chương, Hưng Nguyên (Nghệ An), Kỳ Anh, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) v.v... Ở nhiều huyện, các hương, lý ở làng bỏ chạy, các cấp bộ nông hội đã đứng ra quản lý, điều hành công việc của làng xã, hình thành nên chính quyền theo kiểu Xô viết như ở Liên Xô. Đến cuối năm 1930 đầu 1931, ở Hà Tĩnh đã có tới 170 làng và Nghệ An 200 làng Xô viết.

Có thể nói, lần đầu tiên những người nông dân Nghệ An - Hà Tĩnh đã đứng lên thành lập được chính quyền của công - nông ở Việt Nam, sản phẩm kết tinh của cuộc đấu tranh do quần chúng cách mạng làm nên. Tuy tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng chính quyền Xô viết đã tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của “nhà nước công nông” do Đảng lập ra và Nhân dân quản lý.

Bài học từ chính quyền Xô viết Nghệ - Tĩnh năm 1930-1931

Nền huyện đường ở thị trấn Nghèn - nơi vào ngày 7/9/1930, hơn 1.000 nông dân mang cờ đỏ búa liềm đấu tranh chiếm huyện đường, thả tù chính trị.

So với các hình thức Xô viết trong lịch sử thế giới thì Xô viết Nghệ - Tĩnh đã tồn tại trên 7 tháng và dù còn sơ khai nhưng đã để lại những dấu ấn về một nhà nước công - nông chưa có tiền lệ trong lịch sử ở một đất nước bị chìm đắm trong nô lệ, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do của quần chúng lao khổ. Sự tồn tại của các Xô viết ở Nghệ - Tĩnh cho đến cuối tháng 6/1931 thì bị những thủ đoạn thâm độc của chính quyền thực dân đàn áp dã man nên đã tan rã cùng với sự thất bại của phong trào cách mạng 1930-1931.

Từ phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh cùng với việc lập nên chính quyền Xô viết đầu tiên trong lịch sử ở Việt Nam đã để lại cho Đảng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là bài học về sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là vai trò của tổ chức Đảng ở các địa phương và cơ sở đã chủ động, sáng tạo khi có thời cơ giành chính quyền; bài học về xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và Nhân dân, về mối quan hệ liên minh công - nông; bài học về tổ chức lực lượng cách mạng và vai trò của các hội quần chúng, tự vệ đỏ v.v... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc cách mạng tháng Tám sau này”, trong đó có vấn đề giành và giữ chính quyền cách mạng.

Bài học từ chính quyền Xô viết Nghệ - Tĩnh năm 1930-1931

Khu đô thị Nghèn hôm nay (Ảnh Thanh Hải)

Đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam với Nhà nước của dân, do dân và vì dân đã đưa đất nước đạt được những thành tựu vẻ vang trên các lĩnh vực và đang trên con đường “sánh vai cùng cường quốc năm châu”.

Phát triển sức mạnh tổng hợp để xây dựng và tiếp tục thực thi thể chế chính trị do Đảng lãnh đạo, dân làm chủ trong tình hình mới, việc phát huy những bài học được đúc kết từ lịch sử có tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh của quần chúng Nhân dân và sự sáng tạo trong việc thành lập các Xô viết của phong trào cách mạng 1930-1931 vẫn còn nguyên giá trị.

Vì chỉ có trên cơ sở Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ thì mới tập hợp được rộng rãi lực lượng quần chúng Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện sự nghiệp đổi mới; tiến hành CNH - HĐH và hội nhập quốc tế; giữ vững nền độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Chủ đề 90 NĂM NGÀY XÔ VIẾT NGHỆ - TĨNH

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).