Huyền thoại Xô viết ở Phù Lưu Thượng...

(Baohatinh.vn) - Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở Phù Lưu Thượng nay là xã Hồng Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã gửi vào tâm thức thế hệ trẻ niềm tự hào, biết ơn để nỗ lực hơn trong cống hiến xây dựng quê hương.

a1.jpg
Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (Can Lộc). Ảnh tư liệu.

Lần theo những trang sử Đảng và từ những câu chuyện thế hệ đi trước kể lại, trước năm 1945 xã Hồng Lộc (Lộc Hà) ngày nay có tên là Phù Lưu Thượng. Theo nhiều tư liệu lịch sử thì vùng đất này đã có cư dân đến sinh cơ lập nghiệp cách đây hơn 1.000 năm. Thời phong kiến, ở Phù Lưu Thượng đã xuất hiện nhiều danh sỹ nổi bật có nhiều đóng góp cho đất nước như: Bình ngô Thượng tướng quân Nguyễn Biên (? - 1425), một trong những vị tướng phò vua Lê Lợi đánh giặc Minh xâm lược; cử nhân Phan Huân (1814 -1864), Giám sát ngự sử triều đình nhà Nguyễn thời vua Tự Đức; tiến sỹ Mai Thế Quý (1822 -1877) có công dẹp thổ phỉ giữ vững biên cương phía Bắc...

Tiếp nối truyền thống yêu nước, đến đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở Phù Lưu Thượng đã diễn ra sôi nổi. Nhiều nhân sĩ đã hưởng ứng, tham gia phong trào Cần Vương, sau đó là phong trào Duy Tân và các tổ chức cách mạng ban đầu như: Tân Việt cách mạng Đảng, Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội…

a2.jpg
Một góc xã Hồng Lộc ngày nay.

Tháng 4/1930, Phù Lưu Thượng đã thành lập chi bộ Đảng với những người cộng sản đầu tiên như: Hồ Ngọc Tàng, Hồ Phối, Hồ Thân, Phạm Triển, Phạm Như Ý, Lê Bảng, Trần Xy, Phạm Thị Dung... Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng ở Hồng Lộc phát triển mạnh mẽ, góp phần làm nên những thành công chung trong phong trào Xô viết Can Lộc, Hà Tĩnh nói riêng và Nghệ Tĩnh nói chung.

a3.jpg
Lá cờ búa liềm của Nhân dân huyện Can Lộc sử dụng trong các cuộc đấu tranh 1930-1931 được lưu giữ tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Trong 2 năm 1930 - 1931, Phù Lưu Thượng là điểm sáng nổi bật của phong trào Xô viết Can Lộc. Nhiều địa chỉ trên vùng đất này là cơ sở hội họp bí mật, liên lạc, tập hợp lực lượng biểu tình, nơi in ấn tài liệu của tổ chức Đảng Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh như: miếu Biên Sơn, nhà ông Hồ Đôi (thầy Khoái), chùa Long Hội, chợ Lù, Truông Gió… Cùng với đó, xuất hiện nhiều chiến sỹ cộng sản kiên trung, anh dũng như: Hồ Ngọc Tàng, Hồ Phối, Phạm Thị Dung, Hồ Thân, Hồ Đôi…

Đến bây giờ, dù đã gần 1 thế kỷ trôi qua nhưng nhiều thế hệ người dân quê hương Hồng Lộc vẫn còn kể lại câu chuyện cảm động về sự hy sinh anh dũng của nữ chiến sỹ Xô viết Phạm Thị Dung. Chị Dung (SN 1910) sinh ra trong một gia đình nông dân, có bố là ông Phạm Triển, một trong những đảng viên đầu tiên của chi bộ Đảng Phù Lưu Thượng. Sớm giác ngộ cách mạng, tháng 4/1930, chị được kết nạp Đảng, được phân công nhiệm vụ liên lạc thông tin cho tổ chức. Nhanh nhẹn, tháo vát, chị thay mẹ buôn bán ở các phiên chợ để làm đầu mối cho các đồng chí, kết nối với chị em các làng, xã để tổ chức tuyên truyền. Sau một thời gian, chị được bầu làm Bí thư tổ chức Hội Phụ nữ giải phóng huyện Can Lộc.

Hưởng ứng chủ trương của Tỉnh ủy Hà Tĩnh về kỷ niệm Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, ngày 7/11/1930, Huyện ủy Can Lộc tổ chức biểu tình với quy mô lớn. Chị Dung được giao nhiệm vụ vận động quần chúng tham gia biểu tình. Mặc dù, hôn lễ của chị với người yêu làng bên ấn định vào sáng 8/11, nhưng kế hoạch của tổ chức không thể trì hoãn, chị Dung vẫn dồn sức để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ông Phạm Bá Tuyến (cháu gọi liệt sỹ Phạm Thị Dung bằng cô, ở thôn Trung Sơn, Hồng Lộc) kể: “Bố tôi kể lại, lúc đó, gia đình và tổ chức cũng khuyên o để người khác thay thế đi đầu nhưng o Dung nhất quyết không chịu. O nói đây là nhiệm vụ quan trọng không thể vì việc riêng mà làm ảnh hưởng tổ chức, o cũng nhắn với anh Xân (chồng sắp cưới) là xong nhiệm vụ sẽ có mặt để kịp giờ rước dâu. Vậy nhưng o không thể trở về tham gia lễ cưới của mình”.

a4.jpg
Ông Phạm Bá Tuyến bên tảng đá làm bàn giặt thời xưa của gia đình - kỷ vật gắn với cuộc sống hằng ngày của liệt sỹ Phạm Thị Dung.

Chiều tối ngày 7/11/1930, quần chúng vùng hạ Can do chị Phạm Thị Dung tập hợp đã nhập thành một đoàn, băng qua chợ Lù, vượt Truông Gió tiến về thị trấn Nghèn. Đến giờ quy định, chị Dung phất cao cờ đỏ, dẫn đầu đoàn đấu tranh tiến thẳng về huyện lỵ. Khi đoàn biểu tình đến cầu Nghèn, bọn lính khố xanh trong đồn đã nổ súng bắn thẳng vào đoàn người. Chị Dung trúng đạn ngã xuống, tay vẫn cầm chặt cán cờ, miệng gắng hô thêm: “Anh chị em hãy bình tĩnh tiến lên!”. Chị bị kẻ địch đưa lên xe và chở vào Hà Tĩnh. Trong thời gian trị thương tại nhà lao Hà Tĩnh, chị chịu đựng đủ sự tra tấn thâm độc, xảo quyệt của kẻ thù. Vì vết thương và đòn roi của kẻ thù, chị Dung đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời vừa mới 20.

a5.jpg
Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng.

Sau sự hy sinh của chị Phạm Thị Dung, kẻ thù tăng cường đàn áp tổ chức Đảng ở Phù Lưu Thượng, quyết liệt vây ráp, bắt bớ các chiến sỹ cộng sản. Vào một ngày giữa tháng 11/1930, địch cử một đội quân gồm 1 chỉ huy và 50 tên lính ráo riết lùng sục tại Phù Lưu Thượng. Bọn chúng đã bắt được đồng chí Hồ Ngọc Tàng, lúc này là cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ. Mặc dù bị địch tra tấn dã man nhưng đồng chí Hồ Ngọc Tàng không hề khuất phục. Trước mặt kẻ thù, trước khi bị xử bắn, đồng chí Hồ Ngọc Tàng đã dõng dạc nhắn nhủ lại với các đồng chí của mình và Nhân dân: “Sống làm nô lệ chi cho thối, chết vì sơn hà rứa cũng cam”.

a6.jpg
Liệt sỹ Hồ Phối (1913 -1945). Ảnh chụp tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Lịch sử xã Hồng Lộc còn ghi câu chuyện về gia đình của ông Hồ Đôi (thầy Khoái). Năm 1930 - 1931, lợi dụng công việc bốc thuốc chữa bệnh, ông Hồ Đôi đã biến nhà mình thành địa chỉ hoạt động bí mật của tổ chức Đảng. Đây cũng là nơi diễn ra Hội nghị Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Can Lộc lần thứ nhất vào tháng 8/1930. Gia đình ông Hồ Đôi có 3 người, gồm cha là Hồ Đôi và các con liệt sỹ Hồ Phối (cán bộ Xứ ủy Trung kỳ), Hồ Thị Hoan tham gia hoạt động cách mạng, nhiều lần bị địch bắt giam tù đày, hy sinh nhưng vẫn kiên trung với Đảng.

Cùng với những tấm gương người chiến sỹ cộng sản kiên trung Xô viết 1930 -1931, trên quê hương Hồng Lộc còn ghi dấu nhiều địa danh, sự kiện đi vào lịch sử. Đó là Truông Gió, nơi diễn ra hàng chục cuộc tập hợp lực lượng tổ chức diễn thuyết, tiến lên huyện lỵ biểu tình đấu tranh của hàng ngàn nông dân vùng Hạ Can Lộc, trong năm 1930 - 1931. Đó là sự kiện thực dân Pháp cho máy bay bắn phá đốt cháy chợ Lù và 27 nóc nhà của người dân Phù Lưu Thượng.

Theo lời kể của ông Bùi Văn Tiện, nguyên cán bộ xã Hồng Lộc những năm 1950, in trong cuốn “Kẻ Lù Phù Lưu Thượng”, chợ Lù lúc ấy là nơi giao thương buôn bán sầm uất với nhiều dãy hàng quán, nổi tiếng cả tỉnh. Do đó, đây cũng là nơi để tổ chức Đảng làm đầu mối hoạt động. Một ngày tháng 3/1931, sau nhiều cuộc đàn áp, bắt bớ của địch, nông dân Phù Lưu Thượng và các xã lân cận tổ chức một cuộc mít tinh biểu tình tại chợ Lù. Cuộc mít tinh đang diễn ra thì máy bay Pháp ập đến, kéo theo là một đoàn binh lính. Máy bay rà thấp bắn phá đuổi đám người mít tinh, bọn lính hạ, đốt cờ đỏ búa liềm rồi đốt luôn cả chợ và 27 ngôi nhà của người dân gần đó. Trong cuộc này, chúng còn sát hại một số người dân vô tội.

1.jpg
Giếng chợ (ở thôn Thượng Phú, xã Hồng Lộc) dấu tích của chợ Lù - Phù Lưu Thượng năm 1930 -1931 được tôn tạo và lưu giữ đến ngày nay.

Sự kiện cũng đánh dấu, thực dân Pháp cho lính lê dương về đóng đồn tại Phù Lưu Thượng để tăng cường đàn áp phong trào cách mạng. Đến đầu năm 1932, phong trào Xô viết ở Phù Lưu Thượng mới tạm lắng, hầu hết những đảng viên nòng cốt đều bị bắt bớ, giết hại, tù đày, tổ chức Đảng tạm thời lui vào hoạt động bí mật. Mặc dù, diễn ra trong thời gian ngắn nhưng phong trào Xô viết ở Phù Lưu Thượng nay là Hồng Lộc đã trở thành một điểm sáng trong phong trào đấu tranh Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 -1931. Giai đoạn này, Hồng Lộc cũng đã thành lập được chính quyền Xô viết dưới hình thức các thôn bộ nông, tổ chức bộ máy chính quyền, các tổ chức đoàn thể, thực thi nhiều chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục…

a9.jpg
Truông Gió (Hồng Lộc) nơi diễn ra nhiều cuộc tập hợp lực lượng nông dân vùng Hạ Can Lộc kéo lên huyện lỵ biểu tình đấu tranh những năm 1930 -1931.

Từ cuộc “tập dượt đầu tiên” ấy đã khơi dậy niềm tin, ý chí đấu tranh cách mạng của người dân Hồng Lộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, để phong trào tiếp tục duy trì phát triển bền bỉ đi đến thắng lợi cuối cùng. Vào đêm 16, sáng 17/8/1945, người dân Hồng Lộc cùng với các địa phương trong toàn huyện Can Lộc đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân. Trong đó, theo tư liệu từ Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, đồng chí Lê Bảng, người chiến sỹ cộng sản Phù Lưu Thượng (nay thuộc thôn Quan Nam, Hồng Lộc) là người đầu tiên đứng lên hạ lá cờ của chính quyền bù nhìn, cắm lá cờ cách mạng lên cột cờ huyện đường Can Lộc trong tối 16/8/1945.

a8.jpg
Các đảng viên cao tuổi thôn Trung Sơn (Hồng Lộc) kể cho thế hệ trẻ truyền thống Xô viết anh hùng trên quê hương.

Về xã Hồng Lộc ngày nay, cuộc sống đã sang trang mới. Đi trên những con đường thảm nhựa thênh thang giữa miền quê nông thôn mới, tôi lại bâng khuâng nhớ về thế hệ cha ông đi trước, những chiến sỹ cộng sản kiên trung của phong trào Xô viết năm nào. Và trong lắng sâu trái tim mình, tôi cảm tưởng đó như là những câu chuyện huyền thoại. Những huyền thoại cách mạng bi hùng của cha ông gửi vào tâm thức thế hệ trẻ chúng tôi niềm tự hào, biết ơn để nỗ lực hơn trong cống hiến xây dựng quê hương ngày càng sáng tươi.

Chủ đề 90 NĂM NGÀY XÔ VIẾT NGHỆ - TĨNH

Chủ đề Báo Nhân Dân

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống