Dư âm tiếng trống Xô viết
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 là mốc son chói lọi của cách mạng Việt Nam, khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng. Trong phong trào ấy, nhiều “Làng đỏ” (là những làng có chi bộ cộng sản lãnh đạo, có chính quyền do người dân lập nên) từ miền ngược đến miền xuôi đã hình thành như: Hồng Lộc, Phù Lưu, Tân Lộc (Lộc Hà); Phú Phong (Hương Khê); Gia Lách (nay là thị trấn Xuân An, Nghi Xuân); Vĩnh Lộc (nay là xã Khánh Vĩnh Yên - Can Lộc); Sơn Châu (Hương Sơn)…
Cùng với các “Làng đỏ” khác, xã Phù Việt cũ (nay là xã Việt Tiến) đã trở thành địa phương có phong trào cách mạng sôi nổi nhất của huyện Thạch Hà bấy giờ.
94 năm đã trôi qua nhưng dư âm tiếng trống Xô viết vẫn còn vang dội, những câu chuyện lịch sử, những ký ức về thời kỳ cách mạng sôi nổi ở “Làng đỏ” vẫn được người dân nơi đây truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và xem đó là điểm tựa, động lực để xây dựng cuộc sống mới với những gam màu tươi sáng.
Theo tư liệu của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, tháng 2/1927, tại nhà đồng chí Mai Kính, Tân Việt cách mạng Đảng huyện Thạch Hà ra đời do các trí thức yêu nước trong vùng như: Nguyễn Châu, Nguyễn Tứ Mỹ, Bùi Quang Điềm và Mai Kính đứng ra thành lập. Tháng 1/1930, đồng chí Trần Hữu Thiều (quê ở Anh Sơn, Nghệ An) được Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng cử vào Hà Tĩnh xây dựng cơ sở, phát triển đảng viên. Cuối tháng 3/1930, đồng chí Trần Hữu Thiều triệu tập Hội nghị thành lập Tỉnh ủy Lâm thời Hà Tĩnh; các đồng chí Mai Kính, Nguyễn Châu được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Ít lâu sau, Chi bộ Đảng Cộng sản ở Phù Việt được thành lập. Từ đây, Phù Việt trở thành “Làng đỏ” trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Giai đoạn này, dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp, đời sống của người dân Thạch Hà vô cùng khổ cực. Từ tháng 5 - 9/1930, khắp nơi trong toàn huyện Thạch Hà dấy lên phong trào đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ. Riêng ở Phù Việt, quần chúng nhân dân đã tổ chức mít tinh và đòi giảm tô, hoãn nợ, tăng tiền công cho người đi ở, làm thuê. Cuộc đấu tranh chống địa chủ, cường hào đã giành thắng lợi bước đầu. Từ đó, quần chúng nhân dân càng hăng hái tham gia cách mạng, phong trào ở Phù Việt nhanh chóng lan ra các thôn, xã trong vùng.
Nhà cụ Mai Kính là một trong những địa điểm ghi nhiều dấu ấn trong phong trào cách mạng của Thạch Hà. Đây là nơi diễn ra hội nghị bàn kế hoạch tổ chức biểu tình kỷ niệm ngày chống chiến tranh đế quốc 1/8/1930. Đặc biệt, tháng 9/1930, Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh được tổ chức, bầu Ban Chấp hành chính thức do đồng chí Nguyễn Châu (tức Nguyễn Thiếp, Kim Đơn) làm Bí thư. Nhà đồng chí Mai Kính lúc này trở thành trụ sở chính thức của Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Từ ngôi nhà này, các chỉ thị, nghị quyết, truyền đơn của tỉnh được in ấn, truyền đi để chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân tới đỉnh cao, dẫn đến sự ra đời của làng Xô viết ở nhiều nơi.
Năm 1990, nhà cụ Mai Kính được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngày nay, ngôi nhà được con cháu dòng họ Mai, chính quyền địa phương gìn giữ và trở thành địa chỉ đỏ, nơi diễn ra các hoạt động giao lưu, đối thoại, kết nạp đảng viên, tìm hiểu lịch sử của thế hệ trẻ.
Miền quê cách mạng chuyển mình
Bước qua cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh và các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, xã Phù Việt xưa (nay là xã Việt Tiến) đang từng bước chuyển mình, khoác lên một diện mạo mới đầy sức sống.
Kế thừa mạch nguồn lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Việt Tiến đã không ngừng nỗ lực vươn lên trong thời kỳ mới. Đến cuối năm 2023, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Toàn xã hiện có hơn 10 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng, 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao; cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ, 100% tuyến đường được bê tông hoá và thảm nhựa rộng rãi, sạch đẹp; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 51 triệu đồng/người/năm, đời sống của bà con ngày càng được nâng cao.
Đặc biệt, vào tháng 6/2024, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (dự án VSIP) đã được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 1.555 tỷ đồng, nằm trên địa bàn xã Việt Tiến và một phần xã Thạch Liên. Dự án VSIP được kỳ vọng sẽ thu hút nhà đầu tư trong các lĩnh vực điện và điện tử, bán dẫn, cơ khí chính xác, may mặc, giày da, năng lượng, pin xe điện, kim loại, phụ tùng ô tô…
"Dự án VSIP sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà nói chung và xã Việt Tiến nói riêng, tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương. Xác định tầm quan trọng của dự án, thời gian qua, địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trong giải phóng mặt bằng thu hồi đất với diện tích hơn 150 ha. Qua đó, tạo điều kiện cho dự án được triển khai thuận lợi theo đúng kế hoạch" - ông Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Đảng uỷ xã Việt Tiến cho biết.
Ông Nguyễn Văn Đạt (SN 1944, thôn Bùi Xá, xã Việt Tiến) chia sẻ: “Cùng với chính quyền và Nhân dân xã Phù Việt xưa, người dân thôn Bùi Xá đã vượt qua khó khăn, gian khổ để cống hiến, hy sinh cho cách mạng.
Hôm nay đây, nhìn thấy thôn quê và xã nhà ngày một phát triển, đời sống Nhân dân đủ đầy, các dự án lớn được khởi công và đi vào hoạt động ổn định, tôi rất vui mừng và phấn khởi. Kỳ vọng rằng, với truyền thống cách mạng, thế hệ trẻ sẽ tiếp bước cha anh để cùng xây dựng quê hương phồn vinh, thịnh vượng hơn”.
Về Việt Tiến hôm nay, chúng tôi cảm nhận rõ sự chuyển mình đi lên của miền quê cách mạng. Trên khuôn mặt của mỗi người dân nơi đây luôn rạng rỡ niềm vui, họ kiến thiết cuộc sống mới bằng bàn tay yêu lao động và khối óc dám nghĩ, dám làm. Cùng với những dự án lớn được khởi công, những mô hình kinh tế ngày càng được nhân rộng, tin rằng, Việt Tiến sẽ còn phát triển vươn xa, xứng đáng với những tiền đồ mà cha ông đã để lại.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Bí thư Đảng uỷ xã Việt Tiến nhấn mạnh: “Lịch sử hào hùng của “Làng đỏ” đã trở thành một phần “máu thịt” của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Việt Tiến. Đó cũng là sức mạnh nội sinh giúp miền quê này vượt qua khó khăn, vươn lên xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Tiếp nối mạch nguồn đó, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, vận động Nhân dân tích cực hơn nữa trong lao động sản xuất. Tập trung cao cho mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng đó, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử, làm nền tảng để phát triển kinh tế bền vững”.