Trên quê hương Xô viết anh hùng

(Baohatinh.vn) - Những ngày này, trong phấp phới cờ đỏ sao vàng tung bay trên những vùng quê nông thôn mới khang trang ở các huyện Can Lộc, Lộc Hà (Hà Tĩnh), dường như vẫn còn nghe âm vang tiếng trống Xô viết giục giã thuở nào…

a1.jpg
Toàn cảnh thị trấn Nghèn - trung tâm huyện lỵ Can Lộc hôm nay.

1. Trong sắc nắng vàng thu, hiện rõ dọc dòng sông Nghèn trong xanh, dập dềnh con nước là những làng quê NTM khang trang, trù phú của Can Lộc. Những thành tựu hôm nay là kết quả của ý chí, quyết tâm, sự nỗ lực của Đảng bộ và Nhân dân Can Lộc trong thực hiện các phong trào thi đua, nhất là phong trào xây dựng NTM suốt nhiều năm qua. Và những nỗ lực đó cũng chính là sự kế thừa truyền thống cách mạng bất khuất, kiên trung của người dân Can Lộc.

Theo dòng lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, Can Lộc là địa phương vùng lên, khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất toàn tỉnh (đêm 16 rạng sáng 17/8/1945). Đó là kết quả của sự đấu tranh bền bỉ, kiên gan của quê hương Xô viết anh hùng trong suốt 15 năm (1930-1945) từ khi Đảng mới ra đời cho đến ngày đất nước độc lập 2/9/1945. Trên mảnh đất này, nhiều địa danh đã đi vào lịch sử, trở thành địa chỉ đỏ cách mạng. Tiêu biểu như: Bến đò Thượng Trụ, cầu Hạ Vàng (Thiên Lộc); cầu Nghèn, nền huyện đường, sân vận động huyện (thị trấn Nghèn)… là các nơi diễn ra các cuộc tập hợp lực lượng biểu tình đấu tranh rầm rộ của Nhân dân Can Lộc trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931).

Đặc biệt, nhà cụ Trần Đình Đóa (thôn Yên Vinh, nay là tổ dân phố 8, thị trấn Nghèn) là nơi thành lập Chi bộ Trảo Nha, chi bộ Đảng đầu tiên của thị trấn Nghèn vào tháng 2/1930, hội nghị thành lập Huyện ủy lâm thời Can Lộc (tháng 4/1930). Đồng thời, đây cũng là địa chỉ được Ủy ban Khởi nghĩa Can Lộc chọn để tổ chức cuộc họp khẩn vào đêm 16/8/1945, quyết định huy động lực lượng quần chúng biểu tình vũ trang tại huyện lỵ, tiến hành tổng khởi nghĩa…

a2.jpg
Con cháu dòng họ Trần Đình và người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Nghèn, Can Lộc) ôn lại lịch sử hào hùng của ông cha tại ngôi nhà của cụ Trần Đình Đóa.

Những trang sử vàng của quê hương Can Lộc cách đây 79 năm dẫn chúng tôi về xã Thiên Lộc trong những ngày mùa thu năm 2024. Bên những cánh đồng trù mật đang vào vụ gặt, Bến đò Thượng Trụ - nơi diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ Hà Tĩnh vào tháng 3/1930, nổi bật bởi vẻ uy nghi giữa khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Đoàn Kết.

Ông Phạm Xuân Tứ - Bí thư Chi bộ thôn Đoàn Kết cho biết: “Xưa kia, cả vùng đất này là cánh đồng lau sậy giữa sông Nghèn. Năm 2008, thôn Đoàn Kết chính thức được thành lập, đến nay đã có 179 hộ, 642 nhân khẩu. Phát huy truyền thống cách mạng, người dân nơi đây luôn nỗ lực cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, ra sức phấn đấu xây dựng cuộc sống ấm no. Cuối năm 2021, thôn đã đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu… Chúng tôi đang tập trung làm mới nhà văn hóa thôn, phối hợp với xã xây dựng tuyến đường cờ từ chùa Hương Tích đến Bến đò Thượng Trụ để chào mừng 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9”.

a3.jpg
Bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) - nơi diễn ra hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh năm 1930.

Bước vào xây dựng NTM ở xuất phát điểm khá thấp, nhiều năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Thiên Lộc luôn phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, quyết tâm, nỗ lực thực hiện tốt các tiêu chí. Phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương về hiến đất, hiến tài sản, đóng góp công sức, tiền của để mở đường giao thông, xây dựng thiết chế văn hóa, xây dựng khu dân cư mẫu… Nhờ đó, năm 2022, Thiên Lộc về đích xã NTM kiểu mẫu. Hiện nay, 10/10 thôn đều đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 56 triệu đồng.

a5.jpg
Một góc xã NTM kiểu mẫu Thiên Lộc hôm nay.

Thị trấn Nghèn xưa, tuy là trung tâm huyện lỵ của Can Lộc nhưng dưới thời thực dân phong kiến chỉ là những khu dân cư nghèo đói, người dân bị áp bức, cực khổ trăm đường. Nay vùng đất này đã trở thành đô thị khang trang, văn minh, phát triển.

Ông Bùi Văn Hồng - Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Nghèn cho biết: “Đến nay, thị trấn có 15/19 tổ dân phố đạt các tiêu chí tổ dân phố văn minh, phấn đấu đến hết năm 2024 có 19/19 tổ dân phố đạt chuẩn các tiêu chí tổ dân phố văn minh; thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2023 đạt gần 58 triệu đồng, phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt 65 triệu đồng. Thị trấn đang xây dựng hồ sơ đề nghị các cấp công nhận đạt đô thị loại IV”.

a4.jpg
Người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Nghèn, Can Lộc) phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương.

Cùng với Thiên Lộc, thị trấn Nghèn, phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của ông cha, các địa phương khác của Can Lộc cũng đã nỗ lực xây dựng quê hương ngày một khang trang. Theo báo cáo của UBND huyện Can Lộc, đến nay, toàn huyện có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 7/16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 118/159 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu (đạt 74%) và 1.299 vườn mẫu, 25 sản phẩm OCOP; 996 mô hình SXKD hiệu quả, trong đó có 64 mô hình lớn, 126 mô hình vừa và 806 mô hình nhỏ. Can Lộc đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí nâng cao, phấn đấu cuối năm 2025 đạt chuẩn huyện NTM nâng cao...

Thành công trong tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân Can Lộc hôm nay không ngừng được nâng cao. Điều đó không chỉ mang lại những giá trị mới mà còn thể hiện sức mạnh nội sinh, kế thừa truyền thống cách mạng anh hùng - địa phương khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên của Hà Tĩnh trong mùa thu cách mạng 1945.

a6.jpg
Quốc lộ 281 đoạn đi qua Truông Gió (xã Hồng Lộc) là điểm nối giữa huyện Can Lộc và Lộc Hà hôm nay.

2. Từ năm 2007, các vùng quê cách mạng miền hạ Can Lộc như: Hồng Lộc, Tân Lộc, Ích Hậu… đã thuộc địa phận hành chính huyện Lộc Hà nhưng nhắc về quê hương Xô viết Can Lộc anh hùng, chúng ta không thể quên sự đóng góp to lớn của những miền quê này. Trong đó, nơi đây đã ghi lại nhiều dấu ấn lịch sử nổi bật như: sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Hà Tĩnh tại đình Đỉnh Lự (xã Tân Lộc) gồm các đồng chí như: Hoàng Khoái Lạc, Mai Cát, Nguyễn Cứ…; miếu Biên Sơn (xã Hồng Lộc) là nơi hội họp và in ấn cất giấu tài liệu tổ chức Đảng của Tỉnh ủy, Xứ ủy Trung Kỳ những năm 1930-1931…

Con đường heo hút từng lưu dấu những bước chân rầm rập của nông dân các xã Hồng Lộc, Tân Lộc, Ích Hậu, Phù Lưu, Thịnh Lộc, Bình An (trước đây thuộc huyện Can Lộc, nay thuộc huyện Lộc Hà) tiến về thị trấn Nghèn biểu tình đấu tranh trong những năm 1930-1945 giờ đã là quốc lộ 281 rộng thênh thang thảm nhựa. Dừng lại bên Truông Gió (thuộc xã Hồng Lộc), nơi từng diễn ra những cuộc tập hợp lực lượng biểu tình của hàng nghìn nông dân vùng hạ Can Lộc mở đầu phong trào Xô viết những năm 1930-1931 của Can Lộc, bây giờ là cả một vùng quê NTM đang bừng lên sức sống.

a7.jpg
Bức tranh làng quê NTM ở xã Hồng Lộc (LộcHà).

Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc cho biết: “Từng là một vùng quê nghèo, Hồng Lộc bước vào xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử cách mạng, Đảng bộ và Nhân dân xã nhà đã không ngừng nỗ lực vươn lên, để năm 2018, xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến nay, Hồng Lộc có 3/7 thôn được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu, phấn đấu đến cuối năm 2024 có thêm 1 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2023 đạt gần 51 triệu đồng”.

Cùng với Hồng Lộc, các xã: Tân Lộc, Ích Hậu, Bình An… những vùng quê cách mạng sôi nổi một thời nay đã trở thành các làng quê NTM khang trang, thịnh vượng. Với sự nỗ lực không ngừng, năm 2023, huyện Lộc Hà được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM. Đến nay, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, phấn đấu đến hết năm 2024 có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 49 triệu đồng…

a8.jpg
Đình Đỉnh Lự - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Hà Tĩnh vào tháng 2/1930.

Tạm biệt những địa chỉ đỏ cách mạng quê hương Can Lộc, Lộc Hà, đi trên những con đường thênh thang rộng mở giữa những làng quê NTM khang trang, những cánh đồng mùa thu trù mật, lòng tôi không khỏi dâng lên những xúc cảm rộn ràng. Chợt nhận ra rằng: truyền thống văn hóa con người, quê hương núi Hồng, sông La từ muôn đời nay là dòng suối mát lành xuyên suốt để Can Lộc, Lộc Hà cũng như nhiều vùng quê khác của Hà Tĩnh luôn kiên cường vượt qua khó khăn, gian khổ để vươn lên.

Và hôm nay, những vùng quê Hà Tĩnh vẫn đang bừng bừng khí thế cách mạng, nỗ lực không ngừng nghỉ để dựng xây quê hương, đất nước phát triển, làm nên những mùa thu tươi thắm, rạng ngời.

Chủ đề CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.