Bám sát vấn đề thời sự để tuyên truyền, phổ biến pháp luật

(Baohatinh.vn) - Việc bám sát các vấn đề thời sự để kịp thời tổ chức xét xử là phương thức hữu hiệu đưa pháp luật đến sát hơn với người dân Hà Tĩnh, từ đó, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa các loại tội phạm.

Thông thường, tết Nguyên đán là thời điểm các loại tội phạm về pháo diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc trang bị kiến thức cho người dân trước dịp Tết là nhiệm vụ quan trọng được các cơ quan thi hành pháp luật tập trung triển khai nhằm ổn định tình hình, nâng cao ý thức phòng ngừa, cảnh giác. Thời gian qua, ngành công an, tòa án, viện kiểm sát đã chú trọng lựa chọn các vụ án liên quan đến pháo để tổ chức xét xử rộng rãi.

TAND huyện Đức Thọ mở phiên toà lưu động xét xử vụ án buôn bán hàng cấm.

Sáng 24/1, TAND huyện Đức Thọ mở phiên tòa xét xử lưu động đối với Phạm Văn Thảo (SN 1990, trú xã Liên Minh) về tội “Buôn bán hàng cấm”. 2 đồng phạm của Thảo là Nguyễn Duy Hoàng (SN 1993, trú xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc) và Nguyễn Xuân Thủy (SN 1969, trú xã Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An) về tội “Tàng trữ hàng cấm”.

Cáo trạng cho thấy, từ đầu tháng 11 đến 22/11/2024, Hoàng mua 8,4 kg pháo nổ và Thủy mua 9 kg pháo nổ từ Thảo để tàng trữ, sử dụng. Ngoài ra, Thảo còn bán tổng cộng 4,9 kg cho 2 người dân đang sinh sống tại huyện Đức Thọ. Tổng khối lượng pháo nổ Thảo đã bán là 22,3 kg, thu lợi bất chính 11,4 triệu đồng. Đến ngày 1/12/2024, khi tiếp tục mua 87,6 kg pháo nổ từ Đồng Nai về Đức Thọ để bán kiếm lời, Thảo bị bắt quả tang.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phạm Văn Thảo 7 năm tù, Nguyễn Xuân Thủy 9 tháng tù treo và phạt tiền Nguyễn Duy Hoàng 70 triệu đồng.

Cũng trong tháng 1/2025, TAND thị xã Kỳ Anh và TAND thành phố Hà Tĩnh đã mở phiên tòa xét xử các tội danh: “Buôn bán hàng cấm” và “Tàng trữ hàng cấm”. Các bị cáo đã phải nhận mức án từ 9-102 tháng tù giam. Qua quá trình xét hỏi và tranh tụng, người phạm tội cũng nhận thức được mức độ nguy hiểm từ hành vi của mình và bày tỏ sự ăn năn, hối cải.

Từ trái qua: Lê Công Hoàng, Đỗ Văn Thái, Vũ Đình Chương tại phiên xét xử về tội "Buôn bán hàng cấm" và "Tàng trữ hàng cấm" do TAND thị xã Kỳ Anh tổ chức.

Ông Trần Đức Chính - Chánh án TAND thành phố Hà Tĩnh cho hay: “Vụ án về pháo được các cơ quan tố tụng lựa chọn xét xử vào những ngày cận Tết giúp người dân dễ hiểu, dễ hình dung. Tại phiên tòa, chúng tôi đã tập trung phổ biến các quy định của pháp luật, từ đó góp phần nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống việc sản xuất, buôn bán, tàng trữ và sử dụng các loại pháo nổ trong dịp Tết”.

Trước đó, thời điểm các địa phương tập trung tổ chức khám tuyển nghĩa vụ quân sự (tháng 11, 12/2024), cơ quan tiến hành tố tụng đã phòng ngừa từ sớm, từ xa bằng việc mở phiên tòa giả định xét xử tội danh “Trốn tránh nghĩa vụ quân sự”.

Sáng 6/11, TAND, Viện KSND huyện Kỳ Anh phối hợp với Ban CHQS huyện, Phòng Tư pháp, Huyện đoàn tổ chức phiên tòa giả định tại hội trường UBND xã Kỳ Tiến. Người tham dự phiên tòa là các ĐVTN trong diện khám tuyển nghĩa vụ quân sự và học sinh khối 12 trên địa bàn.

Cũng trong tháng 11 (ngày 4/11), Huyện đoàn, Công an huyện, Ban CHQS huyện, Viện KSND huyện, TAND huyện Can Lộc phối hợp với Trường THPT Nghèn tổ chức phiên tòa giả định về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự với sự tham gia của hơn 300 ĐVTN, học sinh.

Nội dung các cáo trạng dựa vào câu chuyện có thật. Do không chấp hành lệnh gọi công dân nhập ngũ, bị cáo đã bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, vào kỳ tuyển quân tiếp đó, bị cáo đã trúng tuyển nhưng vẫn không chấp hành, bỏ đi khỏi địa phương. Do vậy, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện đã chuyển hồ sơ đề nghị Công an huyện xử lý về trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.

Đại biểu tham dự phiên tòa giả định tại Trường THPT Nghèn (Can Lộc).

Em Nguyễn Thị Hồng Thắm (Trường THPT Nghèn) chia sẻ: “Dù là án giả nhưng tính chất và hiệu quả phiên tòa mang lại là thật. Phiên tòa có tư vấn, góp ý của các cơ quan chuyên môn và hết sức thực tế, do vậy, diễn biến vô cùng sinh động, chân thực. Qua phiên tòa giả định, mọi quy định khô cứng đã được mềm hóa, giúp chúng em dễ hiểu, dễ hình dung”.

Ngoài phiên tòa nói trên, thời gian qua, các cơ quan tố tụng tại Hà Tĩnh cũng đã lựa chọn vụ án phù hợp với từng thời điểm, đối tượng để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”; “Làm nhục người khác” (phòng, chống bạo lực học đường); “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (phòng, chống lừa đảo qua mạng)… Các phiên tòa đã gây được hiệu ứng mạnh mẽ đối với người tham gia. Hình thức tuyên truyền này được đông đảo Nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Toàn cảnh phiên tòa giả định tại Trường THPT Hương Sơn.

Ông Bùi Văn Lam - Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan nhằm theo dõi, lựa chọn nội dung phiên tòa phù hợp với bối cảnh, thời điểm, đối tượng. Quá trình chuẩn bị xét xử, người tham gia tố tụng cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu, dự báo các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa; đồng thời, trang bị đầy đủ lời xét hỏi, kỹ năng lồng ghép kiến thức để tuyên truyền cho người dân. Việc tổ chức phiên tòa phải đúng trọng tâm với nội dung, thời lượng thích hợp; qua đó, dễ dàng truyền tải đến bà con...”.

Chủ đề Tuyền truyền phổ biến pháp luật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói