Cần sớm tu bổ, nâng cấp đê bao Sông Nam

(Baohatinh.vn) - Với chiều dài hơn 2,2 km, đê bao Sông Nam thuộc xã Cương Gián (Nghi Xuân) có vai trò bảo vệ hàng chục ha lúa và hàng trăm hộ dân. Thế nhưng, thời gian gần đây, tuyến đê này xuống cấp trầm trọng, khiến người dân nơi đây hết sức lo lắng.

can som tu bo nang cap de bao song nam

Đá hộc gia cố kè đê bị cuốn trôi xuống biển

Là tuyến đê bao xung yếu, bao quanh ngôi làng Sông Nam, bảo vệ cho hơn 35 ha đất lúa, 4 ha đất sản xuất hoa màu và 147 hộ dân, 650 nhân khẩu vào mùa mưa lũ. Ông Nguyễn Văn Luyến, người dân thôn Sông Nam cho biết: “Năm 1990, cơn bão số 9 quét qua làng, san phẳng cả con đê, ngôi nhà của tôi bị cuốn trôi theo dòng nước. Sau nạn đại thủy, cả làng phải đi ăn xin. Gần 2 năm trở lại đây, tuyến đê Sông Nam  xuống cấp trầm trọng, chúng tôi lo lắm”.

can som tu bo nang cap de bao song nam

Mặt đê bị sạt lở

Được biết, tuyến đê Sông Nam có từ thời vua Bảo Đại, năm 1994, được sự giúp sức của Vương quốc Bỉ, con đê đã được đắp lại bằng đá hộc và cát. Trải qua hàng chục năm và do thường xuyên phải oằn mình chống đỡ sự tàn phá của thiên nhiên, lại không được gia cố, một số đá hộc bị cuốn trôi, chân đê bị sóng vỗ hở hàm ếch. Tình trạng tuyến đê Sông Nam xuống cấp khiến người dân nơi đây nơm nớp lo sợ. Hàng chục năm qua, hàng trăm hộ dân thôn Sông Nam đã phản ánh với chính quyền địa phương nhưng vẫn nhận được câu trả lời là đang chờ nguồn vốn và dự án đầu tư.

can som tu bo nang cap de bao song nam

Cống ngăn mặn đã hư hỏng

Ông Lê Văn Cải - Trưởng thôn Sông Nam cho biết: “Ngày nào tuyến đê Sông Nam chưa được tu bổ, sửa sang thì người dân chúng tôi chưa thể yên tâm sinh sống và sản xuất. Mỗi năm, chúng tôi chỉ yên tâm sản xuất vụ mùa tháng 5, chứ vụ mùa tháng 10 ít người trồng lúa vì sợ gặp lũ là mất trắng. Không chỉ có tuyến đê xuống cấp mà ngay cả cống ngăn mặn trên tuyến đê cũng hư hỏng, không thể hoạt động được, nước biển xâm thực vào ruộng của dân, làm cho nhiều diện tích đất bị ảnh hưởng hoặc phải bỏ hoang”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Duy Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết: “Đã rất nhiều lần người dân kiến nghị lên ủy ban xã về tình trạng xuống cấp của tuyến đê, chính quyền xã biết được vấn đề này là cấp bách và cần thiết. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị UBND huyện, nhưng đều nhận được câu trả lời là chưa có vốn và đang đợi dự án đầu tư”.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có phương án khắc phục tình trạng xuống cấp của tuyến đê này để bà con yên tâm sinh sống và sản xuất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast