Cẩn trọng với những lời quảng cáo “có cánh” từ thuốc giảm cân

(Baohatinh.vn) - Trong 0,36 giây, người ta có thể tìm thấy 59,8 triệu kết quả về thuốc giảm cân trên công cụ tìm kiếm Google. Thuốc giảm cân đang “hot” nhất trên các diễn đàn chủ yếu là các loại thực phẩm chức năng ở dạng bột, viên và trà.

Cẩn trọng với những lời quảng cáo “có cánh” từ thuốc giảm cân

Có gần 60 triệu kết quả về thuốc giảm cân chỉ trong 0,36 giây tìm kiếm trên Google. Hầu hết các thực phẩm chức năng giảm cân đều có lời quảng cáo, mời chào hấp dẫn người tiêu dùng

Dựa vào tâm lý nhiều người muốn giảm cân để có được thân hình “chuẩn”, các nhà sản xuất thực phẩm chức năng đã thêm những “lời có cánh” cho hiệu quả “thần dược” của mình. Chẳng hạn như: “sản phẩm 100% chiết xuất từ thiên nhiên”, “cam kết giảm 7 kg/tuần”, “giảm nhanh 8- 15 kg”, “giảm cân, lợi sữa”...

Khác với dược phẩm, muốn lưu hành phải được chứng minh khoa học là có tác dụng trị bệnh, an toàn với sức khỏe, thực phẩm chức năng thì không có yêu cầu khắt khe như thế, chỉ cần nhà sản xuất công bố chất lượng của sản phẩm. Bởi thế, thực phẩm chức năng giảm cân “mọc lên” như nấm sau mưa và mặc sức quảng cáo. Người tiêu dùng tha hồ “bơi” trong “hàng hà sa số” các loại thực phẩm chức năng giảm cân xuất xứ Việt Nam, Mỹ, Úc, Thái Lan... Thậm chí là cả những loại thuốc bột gia truyền không nhãn mác, không công bố chất lượng cũng được rao bán, quảng cáo khắp diễn đàn mạng xã hội.

Thế mới sinh ra những câu chuyện khách hàng dở khóc dở cười khi “lầm tin” vào những lời quảng cáo. Chị H.L. bỏ công chờ đợi gần 2 tuần lễ để mua được một hộp thuốc giảm cân có xuất xứ từ Thái Lan. Uống hết cả hộp thuốc, cân nặng vẫn không thay đổi. Nực cười hơn, chị B. sau khi uống loại trà giảm cân thì cứ 30 phút lại “ghé thăm” nhà vệ sinh để “xả nỗi buồn”. Đến ngày thứ 4 thì mệt lả vì mất nước!

Đau lòng hơn, đã có những người phải trả giá bằng sức khỏe, tính mạng vì tin vào lời quảng cáo của những sản phẩm kém chất lượng mà thời gian gần đây các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập.

Do vậy, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin của sản phẩm, đồng thời “lắng nghe” cơ thể của mình. Theo khuyến cáo, một số thành phần trong thực phẩm giảm cân có thể gây suy gan (có chứa Hydroxycut); tim mạch (có chứa simutramine); nhóm"dược phẩm chống mập, gây chán ăn" như phenmetrazin (Obesitol), phentermin (Mirapront), Isomeride, Anorex, Ponderal...

Tốt nhất, đừng quá tin vào lời quảng cáo và đừng nóng vội với cơ thể của mình. Giảm cân cần đồng thời tác động hai yếu tố: chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục đều đặn.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast