Độ, chế đèn trợ sáng trên phương tiện giao thông - “cực hình” đối với xe ngược chiều

(Baohatinh.vn) - Việc lắp đặt thêm các hệ thống chiếu sáng bằng đèn led, đèn bi cầu trên ôtô, xe máy đã trở nên khá phổ biến. Hành vi này khiến người đi đường lóa mắt dẫn đến mất phương hướng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.

Quan sát tại tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh có thể thấy, hầu hết các loại xe tải, xe khách, xe container… chạy đường dài đều được trang bị thanh đèn Led bar hoặc các loại đèn trợ sáng khác.

Độ, chế đèn trợ sáng trên phương tiện giao thông - “cực hình” đối với xe ngược chiều

Từ các loại xe tải...

Với cường độ ánh sáng mạnh, hệ thống này giúp tài xế quan sát tốt và có tầm nhìn xa hơn; các loại đèn vàng “phá sương” cũng giúp lái xe điều khiển tốt hơn trong điều kiện thời tiết xấu. Tuy nhiên, đây lại là một “cực hình” đối với những phương tiện đi ngược chiều khi loại đèn này hoạt động, đặc biệt là đối với các xe ô tô nhỏ, xe máy.

Độ, chế đèn trợ sáng trên phương tiện giao thông - “cực hình” đối với xe ngược chiều

... tới xe khách, rất nhiều xe có gắn đèn trợ sáng

Anh Trần Đình Anh (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Mỗi lần lưu thông trên tuyến tránh này tôi đều cảm thấy rất khó chịu. Xe tôi thấp, xe họ cao, lại còn gắn thêm đèn trợ sáng chiếu thẳng vào mặt, nhiều lúc chói mắt không thấy đường. Tuyến đường này lại không có dải phân cách cứng nên rất nguy hiểm”.

Không chỉ các xe chạy đường dài mà ngay trong đô thị, khu vực đông dân cư, nhiều chủ phương tiện cũng gắn và sử dụng hệ thống trợ sáng khi tham gia giao thông. Chị Nguyễn Thị Hương (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) bày tỏ bức xúc: “Trong thành phố đã có đèn đường chiếu sáng nhưng một số người vẫn sử dụng thêm cả đèn trợ sáng. Không chỉ ô tô mà nhiều xe máy cũng gắn thêm các loại đèn, rất khó hiểu. Mong lực lượng chức năng xử lý nghiêm các phương tiện này”.

Độ, chế đèn trợ sáng trên phương tiện giao thông - “cực hình” đối với xe ngược chiều

Đèn trợ sáng giúp lái xe điều khiển phương tiện tốt hơn, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết xấu, nhưng lại gây nguy hiểm đối với xe ngược chiều

Trên thực tế, lái xe chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn, sang hơn thì 2-3 triệu là đã có thể trang bị cho mình thanh Led bar hoặc đèn bi cầu “siêu sáng”. Không chỉ nhằm hỗ trợ tăng tầm nhìn mà với nhiều tài xế, đây còn là cách làm đẹp, tạo phong cách nổi bật cho chiếc xế của mình.

Bên cạnh đó, trước đây, do chưa có quy định xử phạt cụ thể đối với hành vi này nên việc tự ý độ, chế thêm hệ thống đèn trợ sáng trở nên rất phổ biến, đặc biệt là đối với các lái xe đường dài.

Độ, chế đèn trợ sáng trên phương tiện giao thông - “cực hình” đối với xe ngược chiều

Cận cảnh một thanh đèn Ledbar được độ trên ô tô

Tuy nhiên, theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vừa có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2020 mới đây, hành vi này đã được quy định mức xử phạt.

Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 3, Điều 16 của Nghị định quy định: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định.

Độ, chế đèn trợ sáng trên phương tiện giao thông - “cực hình” đối với xe ngược chiều

Đèn trợ sáng lắp độ trên các phương tiện giao thông cần được gỡ bỏ

Dù hỗ trợ tăng tầm nhìn, nhưng các thiết bị đèn được lắp thêm gây khó khăn trong tham gia giao thông của các phương tiện đi ngược chiều, dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Thiết nghĩ, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm đối với hành vi này.

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast