Đừng phó mặc việc dạy con mình cho người!

(Baohatinh.vn) - Cuốn vào những bộn bề cuộc sống, lo toan cơm áo, dường như càng ngày các ông bố, bà mẹ càng quên đi việc chăm sóc, dạy dỗ con cái mà phó mặc trọng trách đó cho nhà trường và xã hội. Họ mải mê làm ăn với hy vọng có thật nhiều tiền để cung cấp cho con một cuộc sống vật chất đầy đủ...

Với suy nghĩ “không thể để con thua bạn kém bè”, gia đình anh Vinh (TP Hà Tĩnh) đầu tư rất lớn cho con trong chuyện học hành, mua sắm cho con đầy đủ mọi thiết bị phục vụ việc học, đi kèm là lịch học thêm dày đặc mặc dù con gái anh năm nay mới lên lớp 6.

Cũng chăm lo cho con không kém, gia đình chị Xuyến (TP Hà Tĩnh) ngoài việc cho con học thêm còn đăng ký các lớp học năng khiếu tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh. Mùa hè, chị còn cho con đi học bơi, học võ…

Đừng phó mặc việc dạy con mình cho người! ảnh 1

Học sinh và giáo viên Trường Tiểu học Tân Giang (TP Hà Tĩnh) tham quan, xem triển lãm tại Khu Tưởng niệm Lý Tự Trọng (xã Việt Xuyên - Thạch Hà). Ảnh: Đậu Bình

Bố mẹ bận làm, con cái ngoài học còn tham gia các hoạt động ngoại khóa, các lớp học năng khiếu... Các bậc phụ huynh cứ thế để con được… “mặc sức phát triển” mà không hiểu rằng, điều đó vẫn chưa đủ để phát triển nhân cách trẻ. Khoảng thời gian ít ỏi cả gia đình quây quần bên nhau, bố mẹ cũng chỉ hỏi han con về kết quả, điểm số trên lớp mà ít khi hướng dẫn con những điều cần thiết trong cuộc sống hay quan tâm về những gì xảy ra hàng ngày với con. Thậm chí, có phụ huynh còn không có đủ thời gian để quan tâm kết quả học tập của con, buổi họp phụ huynh mặc dù được phát giấy mời tận nhà nhưng cũng vắng mặt vì bận.

Anh Vinh chia sẻ: “Vợ chồng bận tối ngày, không có nhiều thời gian để ý đến con. Thời gian của con cũng dành cho việc học là chủ yếu nên không có gì đáng lo ngại. Thi thoảng, tôi có gọi điện hỏi han tình hình con qua cô giáo, cô không nhắc nhở, phàn nàn gì là được”.

Đáng nói hơn, vì không có đủ thời gian, lòng kiên nhẫn, nhiều bậc phụ huynh mặc nhiên trút hết trách nhiệm dạy con về học hành, ăn ở, lối sống, tâm lý… cho các thầy, cô giáo.

Cả ngày làm việc, đón con từ trường về lại tất bật với bữa cơm tối cho cả nhà, chị N.T.N (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) ngạc nhiên khi con gái 5 tuổi mang ra từ ba lô một bức tranh bé vẽ cả nhà và nói “Chúc mừng mẹ nhân ngày 8/3”. Đến lúc này, chị mới giật mình, hôm nay là ngày lễ và chột dạ, trước nay mình chưa thực sự quan tâm, chỉ bảo con về những điều đơn giản trong cuộc sống, cũng không để ý đến những thay đổi tâm lý, tình cảm của con sau mỗi ngày đến lớp.

Dù thời gian con trẻ tiếp xúc với thầy cô nhiều, song, tất cả đều không thể thay thế vai trò của bố mẹ trong dạy dỗ con cái. Việc phó mặc con mình cho nhà trường và xã hội không chỉ khiến mối quan hệ gia đình lỏng lẻo mà còn vô thức đẩy con về phía “cạm bẫy”. Gia đình phải là cốt lõi, là gốc rễ; đồng thời, bố mẹ phải phối hợp tốt với nhà trường và xã hội để cùng tạo môi trường tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast