Góp ý bằng văn bản: Đừng “vin” câu chữ, “đùn” trách nhiệm!

(Baohatinh.vn) - Lâu nay, chuyện hội họp nhiều, hội họp quá giờ đã làm nhiều đại biểu mệt mỏi. Để cải thiện chất lượng cuộc họp, nhiều đơn vị chủ trì đã gửi trước dự thảo văn bản và yêu cầu các thành phần tham gia góp ý bằng văn bản. Thế nhưng, giữa mong muốn của cơ quan chủ trì và việc thực hiện của thành phần dự họp vẫn... “vênh” nhau.

gop y bang van ban dung vin cau chu dun trach nhiem

Các đơn vị tham mưu thường nhận được nhiều văn bản góp ý “thống nhất”, “đồng tình” như thế này.

Để chuẩn bị trình kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2017, vừa qua, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp bàn về đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và ca trù, giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Trước cuộc họp, dự thảo đề án đã được gửi tới các sở, ban, ngành, các huyện, thị, thành có liên quan. Thế nhưng, nhận lại, đơn vị tham mưu chỉ nhận được nhiều bản góp ý… “hoàn toàn đồng tình”.

Xin trích nguyên văn văn bản "góp ý" của một số địa phương: “Thực hiện công văn số 782/SVHTTDL-DLVH, ngày 29/9/2017 của Sở VH-TT&DL về việc lấy ý kiến góp ý Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và ca trù, giai đoạn 2018 -2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Sau khi nghiên cứu bản dự thảo đề án, UBND huyện... đồng ý với bản dự thảo”.

“Qua nghiên cứu, UBND huyện... thống nhất với các nội dung trong dự thảo đề án, ngoài ra không có ý kiến gì thêm. Vậy, UBND huyện báo cáo để quý sở biết, tổng hợp trình có thẩm quyền theo quy định”. Có huyện "ngắn gọn" hơn: “Thống nhất với Dự án đề án gửi kèm công văn của Sở VH-TT&DL”.

Cũng "đồng tình" như một số huyện, nhưng sở nọ có sự hồi đáp có vẻ "kỹ" hơn: “Sau khi nghiên cứu, Sở… thống nhất với các nội dung và bố cục của bản dự thảo do Sở VH-TT&DL soạn thảo”.

Sự đồng tình, nhất là đã “qua nghiên cứu” của các đơn vị, dĩ nhiên là hợp lẽ; bởi cách diễn đạt như trên cũng đồng nghĩa "chúng tôi tán thành tới mức không thể góp ý gì thêm". Thế nhưng, liệu bản chất đã vậy?

Một đề án chuẩn bị trình HĐND tỉnh thông qua, dĩ nhiên, không thể là… chuyện nhỏ, liên quan đến tất cả các địa phương (nhất là trong đề án đề cập đến 2 giai đoạn và phải cần hơn 170 tỷ đồng để thực hiện). Vậy mà, các nhà quản lý lại… dễ dàng chấp thuận một cách không thêm bớt được bất kỳ một nội dung hoặc câu chữ gì.

Tự “tố” lại điều đó, tại cuộc họp, cử tọa ở một số đơn vị có văn bản “hoàn toàn đồng tình” lại phát biểu say sưa. Tất cả các ý kiến phát biểu đều do lãnh đạo tỉnh chỉ định. Vì sự bất nhất này nên không ít cán bộ thuộc cơ quan tham mưu phải... lắc đầu ngao ngán!.

Dẫn dụ trên chỉ là số ít trong vô vàn cuộc họp do các cơ quan từ tỉnh, huyện đến xã chủ trì, yêu cầu góp ý bằng văn bản. Vì vậy, người ta có quyền đặt câu hỏi: Đâu là trách nhiệm xây dựng của các đơn vị chung tiếng nói?

Lâu nay, rất nhiều ý kiến của sở, ngành và lãnh đạo một số địa phương cho rằng, cần giảm họp, thay vào đó là góp ý bằng văn bản, đỡ đi lại, đỡ kinh phí...

Khổ nỗi, nếu cứ “hoàn toàn đồng tình” như thế này thì đơn vị chủ quản không thể yên tâm mà “y án”.

Vậy nên, các cuộc họp vẫn cứ diễn ra và mục tiêu giảm họp xem ra vẫn chưa thành.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast