Ông chủ người Nhật cúi chào khách hàng và sự thèm khát được tôn trọng

Khi nói tới việc ông chủ cây xăng Nhật cúi đầu chào khách thì một bạn nào đó trên mạng xã hội nói rằng người Việt thèm khát sự tử tế.

Tôi mượn cái tứ này của họ vì nó quá đúng, chỉ bổ sung: Họ thèm khát được tôn trọng! Và điều đó cũng giải thích vì sao nhiều khách hàng muốn đến mua ở cây xăng mới mở của Nhật này.

Tôi đồ rằng phần đông khách hàng đến cây xăng của Nhật trước hết muốn được tôn trọng, sau đó là sự trung thực và chất lượng. Họ đã chịu đựng cảnh phải dốc hầu bao làm giàu cho kẻ bán hàng mà vẫn phải mua cái bực bội vào thân quá lâu rồi. Giờ có một người tới bán đúng giá, chất lượng đảm bảo, không cân đo đong đếm giả dối, lại được lễ phép thưa gửi, ông chủ đứng ở lối vào gập người cúi chào dù trời mưa lất phất … thì tội gì không mua!

ong chu nguoi nhat cui chao khach hang va su them khat duoc ton trong

Ảnh minh họa - KT

Trong bối cảnh thị trường thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh thì cái lối “bún chửi cháo quát” sắp hết thời! Liệu mà thay đổi!

Nói thực, khách hàng dù yêu nước cũng chả ai nhắm mắt lao vào cửa hàng được tô vẽ với biển hiệu “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, “Dùng hàng Việt là yêu nước” nhưng lại bán sản phẩm tồi, dịch vụ kém. Đấy không phải kinh tế thị trường đúng nghĩa.

Người bán hàng hôm nay thuộc nằm lòng câu “khách hàng là thượng đế”, nhưng nó đã biến thành lời nói và ánh nhìn của người bán hàng chưa thì e rằng chưa.

Tôi nói như thế này không biết có quá không, ấy là một số nhân viên bán hàng sẵn sàng và hào hứng làm cho khách hàng… bẽ mặt. Kỳ cục thế!

Khách hàng đến với cửa hàng thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Cái khéo của người bán là biết cách lôi kéo khách thuộc tầng lớp trung lưu đến với các sản phẩm thượng lưu. Nếu chuỗi cửa hàng không có gì quá đặc biệt thì không cần biết khách hàng là ai, miễn họ có tiền và có nhu cầu.

Cái kiểu phân chia đẳng cấp trong mua – bán như thế hình bóng vẫn nguyên xi ở một số nhân viên bán hàng. Đánh mắt nhìn thấy khách ăn vận úi xùi, nói năng lễ phép kiểu nhà quê là trả lời kênh kiệu, chỏng lỏn. Buổi sáng gặp khách không vừa lòng là tìm giấy lộn và bật lửa, tay khua khoắng đốt vía, miệng tuôn những lời đắng cay khi khách chưa quay gót.

Tôi dám chắc rằng khách hàng vừa bị đốt vía lần sau cũng… khiếp vía không dám mon men tới cửa hàng nói trên. Phương Tây họ có cần đốt vía không mà vẫn thuộc hàng bậc thầy của thương mại?

Cái lối thích làm bẽ mặt khách hàng đôi khi không phải cố tình mà do thiếu tế nhị. Rất đáng tiếc! Có lần, sau khi dùng xong bữa ở một nhà hàng rượu vang, tôi quay sang vẫy tay hô to “cho anh ấm trà”. Ngay lập tức có tiếng nói hùng hồn vang lên sau quầy bar: “Uống rượu vang uống trà không hợp”. Câu nói như một mệnh lệnh, như một phát kiến vĩ đại!? Cả quán quay lại nhìn tôi như nhìn người hành tinh khác, một vài trong số đó ánh lên tia giễu cợt và trịch thượng.

Quán rất ngon, rượu rất xịn, bài trí rất Tây, toàn đồ ăn nhập khẩu Tây nhưng phong cách phục vụ còn… Ta lắm! Giá như sau khi tôi không biết lỡ gọi thế thì các em chạy lại nói nhỏ “anh ơi chị ơi, anh chị uống cái này cái kia nhé, rất đúng gu với chai vang anh vừa dùng đấy ạ…” thì có phải tinh tế bao nhiêu không! Làm được thế lần sau thể nào tôi cũng đến tiếp để khám phá những quy tắc về “đúng gu” và “phù hợp” kia.

Chính vì thế khách hàng đang rất cần rất muốn được đối xử tử tế, thèm khát được tôn trọng. Do đó tôi nghĩ “khách hàng là thượng đế” không chỉ dừng ở chỗ được phục vụ tối đa mà là hài lòng và được thỏa mãn tối đa, điểm cốt lõi ở đó chính là được tôn trọng./.

Theo Ngô Thiệu Phong/VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast