Văn hóa dự tiệc

(Baohatinh.vn) - Ngày xưa, khi còn đói ăn, thiếu mặc, việc được mời ăn cỗ là chuyện quan trọng, ai cũng hân hoan chờ đợi đến ngày đó. Nhưng ngày nay thì khác rất nhiều. Có những bữa tiệc cũng được mong chờ, nhưng có những bữa tiệc lại bất đắc dĩ.

Văn hóa dự tiệc

Đám giỗ chỉ nên gói gọn, không nên mở rộng mời khách quá nhiều. Ảnh minh họa từ internet

Cô bạn tôi tuy sống ở nước ngoài nhưng vì cha mẹ, anh em còn ở quê nên hay về thăm nhà, có đợt ở lại vài ba tháng. Vốn ra đi từ quê nhà, cô rất gắn bó với xóm làng họ mạc. Thế là đám vui đã đành, đám giỗ cô cũng được mời dự suốt. “Mình không tính đến tiền bạc, vì mỗi đám giỗ một vài trăm nghìn, không đáng là bao. Nhưng được mời suốt cũng thấy phiền, vì có những người là họ hàng xa, rồi hàng xóm láng giềng không thân cận. Thời gian đâu mà đi suốt” - bạn tôi bộc bạch.

Đó cũng là tâm sự chung của nhiều người, nhất là ở vùng nông thôn. Người Việt Nam trọng việc hiếu, giỗ ông bà, cha mẹ là dịp để tưởng nhớ người thân. Thế nhưng chỉ nên gói gọn trong gia đình, không nên mở rộng quá nhiều. Bên cạnh thành phần mời là thời gian tham dự. Có dịp dự rất nhiều đám cưới, tiệc mừng, đám giỗ, liên hoan và cũng tham gia tổ chức nhiều bữa tiệc lớn nhỏ, tôi nhận thấy rất nhiều điều cần rút kinh nghiệm cho gia đình mình và những người khác, đặc biệt là vấn đề thời gian. Văn hóa dự tiệc thời hiện đại có những quy ước bất thành văn thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa người mời và người được mời.

Văn hóa dự tiệc

Việc mời dự tiệc cần cân nhắc chọn thời gian hợp lý. Ảnh minh họa từ internet.

Thứ nhất là người mời cần chọn thời gian thuận lợi cho người dự tiệc. Ở thành phố đa phần phải đi làm, hết giờ hành chính mới đi được. Mâm cỗ ở các nhà hàng, khách sạn hay thôn quê bây giờ đều được sắp đặt tinh tươm, nếu không đến quá muộn thì món ăn vẫn đủ đầy. Thời gian mời không nên quá sớm kẻo ảnh hưởng đến giờ làm việc của khách mời, thường thì chủ tiệc sẽ mời từ 11-11h30“, buổi chiều từ 18-18h30”.

Thế nhưng, cũng có những gia đình tổ chức vào lúc 10h30“, buổi chiều từ 17h30”. Về phía khách dự, đa phần đến muộn vì rất nhiều lý do làm chủ nhà áy náy vì không thể tiếp đón chu đáo. Lại có một số vì họ hàng, thân quen, cùng cơ quan, đơn vị nên đến sớm, điều này tưởng không ảnh hưởng đến ai, nhưng với những công chức Nhà nước thì đang “bớt xén” thời gian làm việc, phần nào ảnh hưởng đến việc chung. Có những cơ quan khi nhân viên có đám cưới, chưa hết giờ làm việc mà cơ quan chỉ còn vài ba người. Điều này đã có quy định trong các văn bản của Đảng và Nhà nước, nhưng thực tế vẫn diễn ra.

Trong lúc ở thành thị vì điều kiện công việc nên nhiều người đến muộn thì ở một số vùng nông thôn khách thường đến sớm hơn giờ mời, có khi gần cả giờ đồng hồ. Có dịp về quê giỗ mãn tang ông bác, tôi ngạc nhiên vì chưa đến 10h mọi người đã kéo nhau đến ngồi kín các bàn uống nước, chờ vào mâm, trong khi phần cúng lễ chưa xong. Thế là chủ nhà phải cử người ra tiếp đón. Hỏi ra mới biết: ở quê là thế, có tiệc tùng là cả xóm sắp xếp đến sớm. Ngày nông nhàn, cộng với thói quen, nên dù giờ theo giấy mời chưa đến, người ta cũng rủ nhau đi. “Ở quê thế đó chị ạ! Thành thói quen rồi, nên không sửa được” - đứa em họ phân trần.

Lại có nhiều người không tham dự tiệc được cũng không báo trước, nên chủ nhân phải vất vả lo trước tính sau, sợ nhất là cỗ bàn thừa, vừa lãng phí, vừa buồn vì ít người tham dự.

Đạo lý của người Việt là vui buồn có nhau, đám cưới, đám giỗ là ngày trọng đại, được bà con, bạn bè đến dự là tốt. Nhưng cả từ hai phía, người mời và người được mời cũng cần cân nhắc khi chọn thành phần, thời gian tham dự. Đó cũng là thể hiện nếp sống, ứng xử văn minh.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast