Nhìn những đồi chè bạt ngàn, vườn cam trĩu quả cho thu nhập tiền tỷ và những ngôi nhà ngói khang trang giữa bạt ngàn màu xanh rừng núi, tôi như chợt gặp họ trong “Bài ca vỡ đất” của cố thi sỹ Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Đội viên Tổng đội thu hoạch chè. |
Con đường rừng núi chi chít ổ voi, ổ gà đưa chúng tôi đến Tổng đội TNXP Xây dựng kinh tế mới Tây Sơn, cách trung tâm xã Sơn Kim 2 trên 10 km. Phóng tầm mắt về bốn phía núi rừng, đâu đâu cũng ngập tràn màu xanh. Ánh nắng ban mai trên bạt ngàn đồi chè búp non mơn mởn như mang lại sức sống mãnh liệt giữa chốn núi rừng xa xôi này… Mặc dù vất vả với chặng đường dài trên 100 km nhưng mọi mệt nhọc của chúng tôi dường như tan biến khi thấy Tổng đội trưởng Hoàng Thế Lộc cùng anh em ra đón từ đầu làng. Sự nhiệt tình, mến khách của anh em trong Tổng đội khiến chúng tôi trở nên gần gũi.
Bên tách trà xanh thơm lừng “của nhà trồng được”, Tổng đội trưởng Hoàng Thế Lộc cùng anh em ôn lại chặng đường gian khó với biết bao mồ hôi, công sức để biến một vùng trên 3.630 ha đồi núi hoang vu thành làng thanh niên lập nghiệp trù phú, sầm uất.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển kinh tế vùng biên giới, hải đảo, năm 2003, Tổng đội TNXP Xây dựng kinh tế mới Tây Sơn được thành lập. Ngày 26/3/2003, gần 100 ĐVTN từ các địa phương trong tỉnh đã được lên tham gia lễ khởi công tổng đội...
Trong số gần 100 ĐVTN lên đây đợt đầu, chỉ có 6 cặp vợ chồng và 14 thanh niên độc thân. Thế nhưng, với sự quyết tâm của sức trẻ, số lượng ĐVTN gia nhập tổng đội tăng đều theo năm tháng và đến nay đã phủ kín diện tích. Tổng đội hiện có đến 228 hộ, chia thành 2 thôn thuộc xã Sơn Tây và Sơn Kim 2. Sau hơn 10 năm xây dựng, vùng đất hoang vu xưa giờ đã xanh thắm một màu no ấm với 147 ha chè, 15 ha cây ăn quả, 850 ha cây nguyên liệu, gần 1.000 con trâu bò, trên 5.000 lợn, 10.000 gia cầm…
Ngát xanh những đồi chè. Ảnh: Đậu Bình |
Theo nhẩm tính của Tổng đội trưởng Hoàng Thế Lộc, trung bình mỗi gia đình đội viên có 0,7 ha chè, 5 ha đất rừng để trồng cây nguyên liệu, mỗi năm, thu nhập từ cây nguyên liệu 50 triệu đồng, chè trên 100 triệu đồng, đó là chưa kể chăn nuôi lợn, bò, gà, vịt, trồng cây ăn quả… Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, tổng đội đã thành lập 2 HTX và 2 tổ hợp tác chăn nuôi lợn nái với 7 chuồng nuôi, quy mô 600 con/chuồng/lứa. Mỗi năm 2 lứa, trừ chi phí, mỗi chuồng lãi tối thiểu 300 triệu đồng. Hiện nay, tổ hợp tác do anh Trần Đình Hoan ở thôn Phố Tây (Sơn Tây) làm chủ đang đầu tư trại lợn nái quy mô 400 con với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng, chuẩn bị đưa vào thả nuôi...
Tiềm năng kinh tế được đánh thức, đời sống đội viên không ngừng được nâng lên. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người ở tổng đội ước đạt 30 triệu đồng. Nhiều hộ như Ngô Đình Long, Nguyễn Tiến Sơn, Nguyễn Đình Chinh… thu nhập hàng năm trên 150 triệu đồng. Hàng trăm đội viên từ hai bàn tay trắng đã có cuộc sống ấm no, ổn định. Là thanh niên từ Lộc Hà hăng hái lên lập nghiệp những ngày đầu gian khó, đến nay, đội viên Nguyễn Viết Lĩnh đã có cơ ngơi khang trang, bắt đầu có của ăn, của để.
Lĩnh cho biết: Năm 2004, lên đây thấy bốn bên đồi núi hoang vu cũng nản, nhưng được anh em trong tổng đội và những người đi trước động viên nên anh quyết tâm ở lại lập nghiệp. Vợ chồng Lĩnh được cấp 0,5 ha đất sản xuất chè, 5 ha đất trồng rừng; được hỗ trợ kỹ thuật, cấp giống chè, cho nợ phân bón, bao tiêu sản phẩm nên rất thuận lợi. Chỉ riêng chè, trừ chi phí, mỗi tháng, gia đình anh thu nhập khoảng 10 triệu đồng...
Chạng vạng tối, chúng tôi rời Tổng đội TNXP Xây dựng kinh tế mới Tây Sơn với niềm vui tràn đầy. Giữa thăm thẳm đồi núi, Làng thanh niên lập nghiệp Tây Sơn nổi bật một màu no ấm. Kỳ tích một vùng dân cư sầm uất giữa chốn núi rừng này được làm nên bởi chính những thanh niên chịu thương, chịu khó - những người tiên phong hát “Bài ca vỡ đất”…