Bánh tu hú - món ăn dân dã gợi ký ức tuổi thơ của người dân Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Bánh tu hú - tên gọi dân dã đã gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ người dân Hà Tĩnh. Dù trong đời sống hôm nay xuất hiện nhiều món quà vặt mới lạ nhưng nhiều người vẫn tìm về ký ức ngày thơ bé với món bánh mang hương vị quê nhà.

Video: Bánh tu hú - thức quà quê dân dã ở Hà Tĩnh.

Gia đình bà Lê Thị Tịnh (TDP Xuân Hòa - thị trấn Lộc Hà) đã có hơn 5 năm làm bánh tu hú. Bà Tịnh chia sẻ: “Ngày chúng tôi còn nhỏ, ông bà, cha mẹ vẫn thường làm món bánh này để ăn, nhất là mùa đông. Giờ không còn mấy ai làm nữa nhưng gia đình tôi vẫn muốn lưu giữ ký ức ngày xưa, cũng là một nghề để kiếm sống".

Bánh tu hú là món quà quê dân dã, được làm từ những nguyên liệu quen thuộc với nhà nông như: khoai lang khô, nếp, đậu, lạc, mật mía hoặc đường nâu...

Hằng ngày, chị Nguyễn Thị Hoài Khuyên - con gái bà Tịnh giúp mẹ sửa soạn nguyên liệu để làm bánh. Chị Khuyên cho biết: “Để làm bánh, khoai lang phải được gọt sạch, thái nhỏ rồi phơi khô, sau đó xay thành bột mịn; lạc, nếp cũng được lựa chọn kỹ càng, làm sạch”.

Là nguyên liệu chính và quan trọng nhất, khoai lang làm bánh phải được chọn từ những củ khoai ngon và bở nhất. Đặc biệt, người làm bánh phải nhặt khoai rất cẩn thận vì chỉ cần một lát khoai hỏng cũng có thể khiến cả mẻ bánh phải vứt bỏ.

Các nguyên liệu sau khi được xay nhuyễn thì đem vào trộn cùng với nước. Người làm bánh phải căn lượng nước sao cho vừa với lượng bột để bột bánh không bị khô hay ướt quá; trộn đều tay để bột sánh mịn, khi vắt bánh không bị vỡ. Bột đã nhào kỹ được nắm chặt vào ngón tay cái để tạo hình. Khi bột mịn và bám chắc thì rút ngón tay ra, ở giữa chiếc bánh sẽ tạo thành một lỗ hổng khá ngộ nghĩnh. “Có lẽ cũng chính vì hình thù của chiếc bánh như miệng của con chim tu hú nên ông cha ta mới đặt cho nó tên gọi đó” - bà Tịnh nói.

Tạo hình bánh là công đoạn mất khá nhiều thời gian bởi từng chiếc bánh cần được làm thật đều, thật chặt thì khi hấp bánh mới giữ được nguyên vẹn, không bị vỡ nát.

Bánh sau khi được tạo hình thì xếp vào một chiếc nồi hấp chuyên dụng, cho thêm lá dứa nếp lên trên để tạo mùi thơm, đậy kín vung và bắt đầu nổi lửa.

Sau khoảng 30 - 40 phút, nồi bánh tỏa ra mùi thơm nồng, bánh chuyển sang màu nâu đậm là đã chín.

Làm bánh tu hú tuy không cầu kỳ nhưng các công đoạn khá mất thời gian, công sức. Mỗi ngày, gia đình bà Tịnh làm khoảng 500 - 700 chiếc bánh. Trong khi bà Tịnh mang bánh đi bán khắp vùng: ra chợ Hôm (Thạch Kim), chợ Đón (thị trấn Lộc Hà), chợ Phủ (Thạch Châu), chợ Cồn (Thạch Mỹ)...

... thì chị Khuyên lại bán bánh online qua trang facebook cá nhân. “Khách ở địa phương, khách các xã lân cận, thậm chí ở thành phố Hà Tĩnh gọi hàng, tôi đều ship tận nơi. Vì bán lâu năm, giá cả lại bình dân, chỉ 20 nghìn đồng cho 10 chiếc bánh nóng hổi nên lượng khách quen của gia đình tôi rất ổn định, hôm nào cũng hết từ sớm” - chị Khuyên cho biết.

Bánh tu hú có vị ngọt của khoai, vị bùi của lạc. Dù không phải món ăn cao sang nhưng nhiều thực khách vẫn rất thích thú mỗi khi thưởng thức món quà vặt dân dã này.

Bánh tu hú đã gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người dân Hà Tĩnh. Từng chiếc bánh đong đầy hương đất; ngọt bùi, thơm thảo như chính tấm lòng người dân quê vậy.

Tin liên quan:
  • “Làng sứa lá dung” miền biển Hà Tĩnh rộn ràng vào mùa

    Sau Tết Nguyên đán, “làng sứa lá dung” với hơn cả trăm hộ tại xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lại tất bật đánh bắt, chế biến những con sứa trắng nõn thành những miếng sứa vàng ươm, thơm phức. Người dân làng biển như rộn ràng hơn bởi “lộc biển” đầu mùa mang lại nguồn thu nhập khá.

  • Bà Tập “bật mí” làm bánh rán ngon nổi tiếng Hà Tĩnh

    Chia sẻ với PV Báo Hà Tĩnh, bà Nguyễn Thị Tập (SN 1950, tổ dân phố 3, phường Hưng Trí, TX Kỳ Anh) cho biết, để tạo ra thứ hương vị đặc trưng thì phải tâm huyết từ khâu chọn nguyên liệu đến lúc cho ra lò món bánh nóng hổi, thơm ngon...

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói