Bạo lực leo thang, Liên hợp quốc khó tiếp tế lương thực cho Haiti

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết bạo lực băng nhóm gia tăng tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti đang cản trở tổ chức này tiếp cận hàng trăm nghìn người cần nguồn cung thực phẩm khẩn cấp.

Trong một tuyên bố, WEF kêu gọi cho phép lưu thông tự do các sản phẩm thực phẩm và yêu cầu được tiếp cận nhiều hơn công việc của các cơ quan viện trợ ở Haiti nhằm ngăn chặn tình trạng đói kém vốn đã khủng khiếp trở thành thảm họa.

Người dân chạy trốn khỏi nơi ở do bạo lực băng nhóm tại quận Carrefour-Feuilles, phía Nam Port-au-Prince, Haiti, ngày 15-8-2023.

Theo cơ quan lương thực của Liên hợp quốc (LHQ), làn sóng bạo lực mới nổ ra đầu tháng 2 đã buộc gần 10.000 người phải rời bỏ nhà cửa chỉ trong 10 ngày và khiến WEF không thể tiếp cận hơn 370.000 người trong tình trạng vô cùng cấp bách.

Giám đốc quốc gia của WEF tại Haiti, ông Jean-Martin Bauer, cho hay 44% cư dân quốc gia vùng Caribe này phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng và phải vật lộn để nuôi sống gia đình, bất chấp những nỗ lực của Chương trình nhằm duy trì hỗ trợ khẩn cấp.

Trong bối cảnh các nhóm vũ trang liên tục tấn công dân thường, các tuyến đường vận chuyển hàng hóa cũng bị chặn. Người dân Haiti bị hạn chế di chuyển, trường học buộc phải đóng cửa và nhiều hoạt động của WEF cũng tạm thời phải đình chỉ.

Cơ quan LHQ cảnh báo trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng bạo lực và bất ổn ở Haiti. Trước đây, khi các em học sinh còn có thể đến trường, WEF và đối tác cung cấp mỗi ngày khoảng 300.000 suất ăn nóng mà rất có thể là những suất ăn đầy đủ duy nhất trong ngày đối với nhiều trẻ nhỏ.

Tại thủ đô Port-au-Prince, Chương trình cũng không thể cung cấp khẩu phần ăn cho 56.000 người ở khu Cité Soleil, cũng như không thể cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn hỗ trợ người di cư. Ông Jean-Martin Bauer nhấn mạnh nguy cơ 1,4 triệu người Haiti phải đối mặt với nạn đói ở mức độ khẩn cấp.

Năm nay, WFP có kế hoạch hỗ trợ 2,4 triệu người Haiti thông qua hoạt động hỗ trợ khẩn cấp như cung cấp khẩu phần thực phẩm bằng tiền mặt và hiện vật, cũng như các bữa ăn tại trường học và các chương trình dài hạn để giúp người Haiti tự sản xuất thực phẩm.

LHQ ước tính 314.000 người Haiti, hơn một nửa trong số này là trẻ em, đã buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột. Trong khi đó, số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế cho thấy từ đầu năm đến nay có khoảng 20.000 người Haiti đã phải đi lánh nạn do bạo lực băng nhóm.

Bạo lực cũng khiến nhiều tổ chức nhân đạo, như tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, phải đình chỉ hoặc cắt giảm hoạt động tại Haiti.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói