Báo Pháp viết về nơi gieo niềm hy vọng cho hàng trăm phụ nữ H’Mông từng bị bán sang Trung Quốc

(Baohatinh.vn) - Khi mẹ của Thao Thi Van mất tích trong một chuyến đi chợ, mà nhiều khả năng là đã trở thành nạn nhân của một nhóm buôn người thường bắt cóc những phụ nữ dân tộc H’Mông sống ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam để bán làm cô dâu hoặc vào các nhà thổ ở Trung Quốc, em mới chỉ 2 tuổi.

Báo Pháp viết về nơi gieo niềm hy vọng cho hàng trăm phụ nữ H’Mông từng bị bán sang Trung Quốc

Một cô gái làm việc trong xưởng dệt Lùng Tám. (Ảnh: AFP)

Năm nay, Van đã 13 tuổi, nhưng vẫn luôn bị ám ảnh bởi số phận kém may mắn của người mẹ mất tích. Tuy vậy, em chia sẻ cảm thấy được an ủi khi được nhận vào làm việc tại một hợp tác xã dệt lanh dành cho những người phụ nữ và bé gái thiệt thòi ở địa phương.

“Em gần như không có bạn ở trường bởi luôn bị trêu chọc là đứa trẻ không có mẹ. Em thấy ghen tị với những bạn có mẹ ở bên”, cô gái với vẻ ngoài mảnh khảnh chia sẻ với phóng viên hãng thông tấn Pháp AFP trong nước mắt.

“Em rất vui khi được làm việc ở đây vì em có thể kiếm được một ít tiền và không ai trêu chọc em cả”, Van nói.

Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng tại hợp tác xã, Van nổi tiếng là một thợ thêu lành nghề. Ở đây, cô bé được chăm sóc và nhận được sự chỉ bảo tận tình từ những người phụ nữ lớn tuổi.

Hợp tác xã nơi Van làm việc chuyên sản xuất túi thổ cẩm, khăn trải bàn, đế lót ly và thú nhồi bông. Những người phụ nữ ở đây có thể kiếm được tới 170 USD (gần 4 triệu đồng) mỗi tháng - một mức lương khá ở tỉnh Hà Giang còn nghèo khó.

Hàng nghìn phụ nữ Việt Nam đã bị bán hoặc bị lừa qua biên giới mỗi năm. Và tại khu vực vùng núi phía Bắc chỉ cách không xa biên giới với Trung Quốc này ở Việt Nam, những người phụ nữ và trẻ em gái vẫn thường xuyên biến mất khỏi bản làng một cách bí ẩn.

Việc mua bán cô dâu đã trở thành một ngành công nghiệp bùng nổ ở Trung Quốc như hệ quả của việc dư thừa tới 30 triệu nam giới ở đất nước này. Một số phụ nữ ở các vùng biên giới phía Bắc Việt Nam sẵn lòng ra đi để tìm một cuộc sống mới. Tuy nhiên cũng rất nhiều người khác bị bắt cóc và bị ép buộc phải kết hôn.

Nhiều phụ nữ sau khi tìm được đường thoát thân khỏi cuộc hôn nhân bị ép buộc hoặc trốn khỏi những “động quỷ” – nơi bị đối xử như những nô lệ tình dục, ở Trung Quốc thường phải đối mặt với sự kỳ thị và xa lánh của cộng đồng khi trở về với gia đình.

Với mong muốn mang đến cho các nạn nhân như vậy một mục đích sống và nguồn thu nhập, bà Vàng Thị Mai đã thành lập nên hợp tác xã dệt vải lanh Lùng Tám vào năm 2001.

“Xã hội có thể không chấp nhận họ nhưng ở đây, họ có được sự tự tin”, bà Mai nói với AFP khi mặc bộ trang phục truyền thống của người H’Mông là một chiếc váy gai màu chàm và áo khoác thêu.

Hợp tác xã của bà Mai phát triển một cách nhanh chóng và giờ đây là nơi làm việc của hơn 130 phụ nữ, không chỉ là nạn nhân của nạn buôn bán người mà còn có cả những đứa trẻ mồ côi, những người mẹ đơn thân và cả những cụ cao niên. Họ nhịp nhàng dệt, nhuộm và thêu từ sáng đến tối.

Báo Pháp viết về nơi gieo niềm hy vọng cho hàng trăm phụ nữ H’Mông từng bị bán sang Trung Quốc

Một cụ cao niên miệt mài bên khung dệt ở hợp tác xã Lùng Tám. (Ảnh: AFP)

Bằng việc tạo công ăn việc làm cho những người phụ nữ và trẻ em gái, bà Mai hy vọng sẽ giúp những người phụ nữ dân tộc H’Mông có thể khẳng định được giá trị của bản thân trong một nền văn hóa nơi sự phân biệt đối xử về giới tính vẫn còn rất sâu sắc và hầu hết những người phụ nữ chỉ kiếm được một vài USD mỗi tháng từ việc đồng áng.

Sự nghèo đói là một trong những yếu tố thúc đẩy hoạt động buôn bán phụ nữ xuyên biên giới. Việc tạo công ăn việc làm để giúp tăng thu nhập, địa vị xã hội cho người phụ nữ sẽ phần nào giúp bảo vệ các nạn nhân tiềm năng.

“Nếu phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ từng là nạn nhân của nạn buôn bán người, làm việc theo nhóm, họ sẽ khiến cho bản thân trở nên mạnh mẽ hơn do có được vị thế đàm phán, gia tăng kiến thức và hòa nhập với xã hội”, ông Nguyễn Tiên Phong - đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP), cho biết.

Không chỉ nhằm mục đích hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ, bà Mai thành lập hợp tác xã Lùng Tám còn là để gìn giữ phong tục dệt đã tồn tại hàng thế kỷ của người H’Mông, một truyền thống hiện đã mai một ở nhiều ngôi nhà trong làng bản khi sự hiện đại đã len lỏi và hiện diện tại đây. Hợp tác xã Lùng Tám, vì thế, hiện là điểm đến quen thuộc đối với nhiều du khách muốn tìm hiểu nghề dệt truyền thống của người H’Mông khi đến với huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Những em gái H’Mông từng được bà và mẹ dạy về nghề dệt thủ công đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mẩn, giờ đây, mỗi ngày luôn bận rộn với việc học, lướt Facebook hoặc đi chơi với bạn bè.

Nhiều phụ nữ trong vùng đã thay những tấm áo khoác dệt từ sợi gai dầu, nhuộm nhiều màu sắc cùng những chiếc váy màu chàm sang trang phục “Made-in-China”.

“Những giá trị truyền thống và bản chất văn hóa của người H’Mông đã bị bào mòn, tôi cần khôi phục lại điều đó bằng việc tạo điều kiện để những người phụ nữ lớn tuổi truyền kỹ năng cho các bé gái”, bà Mai nói.

“Ở đây chúng tôi làm mọi thứ bằng tay để giữ gìn bản sắc truyền thống của chúng tôi, viên ngọc của văn hóa Việt Nam”, chủ nhiệm hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám chia sẻ.

(Theo AFP)

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.