Trong bài viết có nhan đề “Tiếng gầm của 1 con hổ châu Á mới”, nhật báo tài chính duy nhất của Singapore nhận định: “Từng nằm trong số các quốc gia nghèo nhất thế giới, nền kinh tế Việt Nam hiện đang phát triển vượt bậc. Ngân hàng Thế giới mô tả đây là một trong những quốc gia mới nổi và năng động bậc nhất trên toàn khu vực Đông Á”.
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19. (Ảnh: Bloomberg)
Theo tờ báo tiếng Anh này, Việt Nam ghi nhận mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2,6% vào năm 2021, và sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ tăng tốc trong năm nay.
Business Times cũng dẫn dự báo của công ty nghiên cứu tài chính DBS (Singapore) cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 8% vào năm 2022, được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ phù hợp.
Bên cạnh đó, báo cáo về sở hữu tài sản mới nhất của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh) ước tính, có khoảng 19.500 triệu phú USD (có tài sản trị giá ít nhất 1 triệu USD) ở Việt Nam tính đến năm 2020. Đến năm 2025, con số này dự kiến sẽ tăng vọt gần 25% lên 25 nghìn người.
“Từ những chiếc xe đạp dần được thay thế bởi những chiếc ô-tô đắt tiền, từ những khu nhà lụp xụp đến những căn hộ sang trọng, hạ tầng của Việt Nam đã thay đổi ngoạn mục trong 30 năm qua”, Business Times nhận xét.
Theo nhật báo này, nhiều công ty Singapore, bao gồm CapitaLand và Keppel, đã đầu tư mạnh vào Việt Nam để nắm bắt những cơ hội tại đây.
Business Times cũng chỉ ra những đổi thay mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Thứ nhất là sự bùng nổ của tầng lớp giàu có. Sự xuất hiện của những khách sạn dát vàng, các căn hộ sang trọng hay những chiếc xe thể thao đắt tiền đã cho thấy sự gia tăng của giới siêu giàu ở Việt Nam.
Thứ hai là môi trường khuyến khích khởi nghiệp. Theo Business Times, Việt Nam từ lâu đã được biết đến là trung tâm gia công phần mềm của Đông Nam Á, nơi mà lao động trình độ cao và tiền lương đang là điểm hấp dẫn để các công ty công nghệ tạo nền tảng phát triển.
Thứ ba là sự bùng nổ năng lượng tái tạo. Việt Nam hiện là quốc gia có công suất điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, với 16,6 gigawatt công suất lắp đặt tính đến năm 2020. Các chính sách khuyến khích của chính phủ đóng vai trò là động lực chính cho quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo này, với việc áp dụng biểu giá khuyến khích cố định (FIT) giúp thúc đẩy các dự án năng lượng mặt trời phát triển nhanh chóng tại Việt Nam.
Thứ tư, bên cạnh bùng nổ về tài sản và phục hồi kinh tế mạnh mẽ, sự phát triển mạnh của thị trường bất động sản tại Việt Nam đã thu hút vốn từ nhiều công ty bất động sản Singapore, bao gồm CapitaLand, Keppel và Mapletree Logistics Trust. Theo Business Times, bất động sản nói chung và phân khúc căn hộ cao cấp tại Việt Nam nói riêng đã trở nên phổ biến và lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư nước ngoài, khi tầng lớp giàu có ngày càng gia tăng, nhất là khi nền kinh tế dự kiến sẽ tăng tốc phục hồi sau đại dịch trong năm 2022.
Và cuối cùng là nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng lớn. Ngành xây dựng Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi vào năm 2022, khi một số dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn chuyển sang các giai đoạn phát triển mới. Business Times nhận định, theo các chuyên gia, những sửa đổi trong Luật Xây dựng và Luật Đầu tư có thể sẽ giúp Việt Nam hút thêm vốn vào lĩnh vực này, đồng thời thúc đẩy các công ty ở nhiều lĩnh vực khác tại Đông Nam Á tích cực tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.