Rộn ràng một thuở…
Theo các cụ cao niên trong vùng, những năm 30 của thế kỷ trước, chỉ làng Thụy mới có nghề ép dầu lạc. Chẳng mấy khi dân làng có giấc ngủ trưa bởi đó là thời gian “vàng” để ông bà, bố mẹ, con cái tranh thủ làm nghề ngoài việc đồng áng. Cả làng rộn ràng, nhộn nhịp tiếng chày giã lạc, tiếng í ới gọi nhau và thơm nức mùi lạc hấp chín.
Nhiều gia đình ở xã Thạch Châu đang quay lại với nghề truyền thống.
Ông Lê Quang Thông (thôn Hồng Lạc) cho biết: “Nhà tôi đã 4 đời làm nghề này. Dù có một thời gian khá dài nghề truyền thống bị mai một nhưng gia đình tôi vẫn giữ lại bộ đồ ép thủ công, coi như món đồ “gia bảo”. Thỉnh thoảng người dân trong vùng có nhu cầu đến thuê, tôi vẫn làm. Dù không kiếm được là bao nhưng nó như một cách để giữ truyền thống gia đình, để nhớ về một thời gian khó cha ông tôi đã đi lên từ nghề này”.
Để cho ra một mẻ dầu lạc thành phẩm phải qua rất nhiều công đoạn. Lạc được phơi khô, mang vào giã khi còn hơi nóng. Ngày ấy chưa có máy xay xát như bây giờ, dân làng hoàn toàn giã bằng cối đá, ấy thế mà, cả lạc nhân, lạc vỏ đều được giã thành bột. Thứ bột đó được hấp chín, cho vào khuôn và dùng rơm sạch cuốn lại thành từng bánh to, tròn. Bánh lạc lại tiếp tục được xếp vào một dụng cụ ép làm bằng gỗ có 4 chân và những thanh ngang được gọi là che. Dưới tác động của lực đóng lên những thanh gỗ, dầu lạc chảy ra, càng đóng mạnh, lâu, thì lượng dầu thu được càng nhiều.
Sau những năm 80, người dân làng Thụy đã cải tiến máy ép, họ dùng máy quay tay bằng sắt để tiết kiệm thời gian, sức lực mà lại tăng năng suất.
Bao đời người dân nơi đây được nuôi lớn, ăn học từ nghề truyền thống. Anh Phan Văn Hải (thôn Hồng Lạc) nhớ lại: “Không chỉ dùng trong bữa ăn hàng ngày, bán cho người dân vùng lân cận mà ông bà, cha mẹ tôi còn cuốc bộ gánh dầu ra tận Vinh, Nghi Xuân, Đức Thọ, rồi ngược lên Hương Sơn, Hương Khê; một số nhà máy gạch ngói như Cầu Họ, Đò Trai còn đặt mua số lượng lớn để dùng bôi trơn khuôn làm ngói. Với thương hiệu đã có từ lâu của lạc Thạch Châu nên chất lượng dầu cũng được đánh giá rất cao, thương lái còn vào tận làng thu mua, có lúc làm chẳng đủ cung cấp ra thị trường. Miếng ăn, cái mặc, sách bút của lũ trẻ chúng tôi cũng nhờ cả vào đó”.
Sóng sánh, thơm nức những giọt dầu lạc thành phẩm
Không chỉ mang lại giá trị vật chất, dầu lạc như một sản vật quá đỗi quen thuộc với họ khi hiện hữu trong từng bữa ăn, trong ngọn đèn thắp sáng của các gia đình. Khi đèn điện chưa có, đèn dầu thì tốn kém, đĩa đèn dầu lạc “của nhà trồng được” là cứu cánh cho các gia đình. Cũng bên ngọn đèn dầu ấy, những buổi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người làng Thụy càng sôi nổi, gắn kết hơn tình làng nghĩa xóm. Bao thế hệ con cháu miệt mài bên đĩa đèn dầu lạc nay cũng đã thành những cử nhân, giáo sư, tiến sĩ.
Khôi phục để gìn giữ văn hóa
Sau một thời gian nghề truyền thống bị mai một bởi sự ra đời của dầu thực vật công nghiệp, những năm gần đây, khi người tiêu dùng bất an với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, một bộ phận người dân đã quay trở lại sử dụng dầu lạc thay cho dầu công nghiệp. Cũng chính vì vậy mà nhiều gia đình ở xã Thạch Châu đã mạnh dạn đầu tư máy móc để quay lại làm nghề.
Ông Lê Quang Tuế (thôn Hồng Lạc) cho biết: “Gia đình tôi đầu tư 200 triệu đồng mua các loại máy xay, máy ép, lò sấy, máy lọc… Mới đưa vào sử dụng 4 tháng nhưng khách rất đông, máy gần như phải hoạt động hết công suất. Vừa ép dầu bán, vừa ép thuê cho những khách hàng có nhu cầu. Mỗi ngày, tôi ép thuê hơn 3 tạ lạc, thu khoảng 1 triệu đồng tiền công. Khách được tận mắt thấy quy trình ép dầu, lọc sạch, không pha chế nên rất an tâm khi sử dụng. Hiện nay, đã có nhiều khách hàng trong tỉnh và các tỉnh lân cận tìm đến mua”.
Dầu lạc sau khi ép còn được lọc bằng máy để loại bỏ cặn bã.
Ông Tuế cũng cho biết thêm, 1 yến lạc có thể cho ra 3,5 lít dầu nguyên chất, nếu lạc chất lượng tốt có thể nhiều hơn, với giá bán 80 nghìn đồng/lít dầu thành phẩm, tính ra lãi hơn nhiều so với bán lạc củ. Đó là chưa kể đến nguồn thu từ bã lạc được bán để làm thức ăn chăn nuôi gia súc.
Theo ông Lê Quang Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã: “Nghề ép dầu lạc quay trở lại những năm gần đây đã giúp người dân địa phương tăng thu nhập, giải quyết đầu ra cho nông sản trong thời điểm tiêu thụ khó khăn. Ngoài giá trị kinh tế, chính quyền địa phương cũng khuyến khích người dân phát triển để khôi phục làng nghề truyền thống nhằm gìn giữ, làm giàu thêm nét đẹp văn hóa mà cha ông để lại”.