Video: Học sinh băng qua dải phân cách qua đường ở xã Kỳ Nam
Chỉ hơn vài giờ đồng hồ có mặt tại điểm giao giữa QL1 với tuyến đường trục chính xã Kỳ Nam (đoạn qua thôn Tân Tiến, xã Kỳ Nam), chúng tôi chứng kiến hàng chục trường hợp trèo qua dải phân cách trên quốc lộ để sang bên kia đường.
Đây là khu vực trung tâm, tập trung nhiều trường học, chợ, trạm y tế, khu trung tâm hành chính xã nên lưu lượng đi lại của người dân khá lớn. Nếu đi theo đúng luật, để vòng được qua làn đường bên kia, người dân phải đi vào hơn 500m hoặc đi ra 150m. Thế nên, nhiều người dân đã tìm cách “đi tắt” bằng cách trèo ngang qua dải phân cách.
Nhiều lần đưa đón cháu đi học, ông Nguyễn Văn Tới (thôn Tân Tiến, xã Kỳ Nam) cho biết, ông thường xuyên chứng kiến cảnh các em học sinh bất chấp nguy hiểm, trèo qua dải phân cách để qua đường.
Đểm giao giữa QL1 với tuyến đường trục chính xã Kỳ Nam bị dải phân cách chắn ngang.
Bà Bùi Thị Thời (thôn Tân Tiến, xã Kỳ Nam, TX Kỳ Anh) cho hay: “Không chỉ học sinh mà nhiều người lớn cũng trèo qua dải phân cách để sang đường, đặc biệt trong 2 khung giờ sáng sớm và chiều muộn, trong khi đó tuyến đường này thường xuyên có xe trọng tải lớn chạy qua”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hệ thống dải phân cách đoạn qua thôn Tân Tiến, xã Kỳ Nam nằm trong dự án mở rộng đường QL1 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, thi công vào năm 2014.
Theo đó, thời điểm đơn vị thi công, nơi đây mật độ dân cư thưa thớt, tuyến đường trục chính vào trung tâm xã chưa được xây dựng nên việc đặt dải phân cách đã được tính toán hợp lý. Tuy nhiên, đến năm 2019, tuyến đường trục chính xã Kỳ Nam (rộng 16m) do Ban Quản lý các dự án Khu vực KKT tỉnh làm chủ đầu tư đã hoàn thành đưa vào sử dụng nên lượng người lưu thông rất lớn. Trong khi đó, tuyến đường không được thiết kế và làm các thủ tục đấu nối với QL1 nên người dân lưu thông chưa thực sự thuận lợi.
Bất chấp nguy hiểm, nhiều học sinh xã Kỳ Nam băng qua dải phân cách để đến trường.
Ông Bùi Văn Chuổng - Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết: “Việc đặt dải phân cách cứng đảm bảo an toàn giao thông là đúng với quy định, tuy nhiên đến thời điểm này hệ thống giao thông của xã lại thay đổi; nền kinh tế phát triển nên khu vực này trở nên sầm uất, lưu lượng người đi lại trên đoạn đường khá lớn. Dù đơn vị thi công đã mở hai lối đi ở hai đầu dải phân cách, tuy nhiên nhiều người dân vì khoảng cách đường quá xa nên vẫn trèo qua phân cách cứng để qua đường. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần đề xuất xem xét mở dải phân cách tạo lối đi qua đường để rút ngắn khoảng cách đi lại, thuận lợi trong lưu thông".
Một người dân băng qua dải phân cách để đi chợ xã Kỳ Nam.
Theo ông Phan Công Vũ - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Kỳ Anh, thị xã đã nhiều lần kiến nghị và được các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan quản lý đường bộ kiểm tra hiện trường. Theo đó, các cơ quan chức năng đã có ý kiến: việc dịch chuyển vị trí mở dải phân cách tại vị trí này cần phải tính toán nhu cầu, lưu lượng và các yếu tố đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời bố trí kinh phí để thực hiện.
Thiết nghĩ, trước thực trạng này, UBND xã Kỳ Nam cần thường xuyên tuyên truyền, giám sát và có giải pháp quyết liệt hơn để chấm dứt việc người dân trèo qua dải phân cách cứng băng qua đường, đảm bảo an toàn giao thông. Về lâu dài, các cấp, ngành liên quan cần xem xét, bố trí nguồn vốn mở dải phân cách tạo lối đi, đồng thời lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu để người dân tham gia giao thông thuận lợi, đảm bảo an toàn.