Nhiều năm nay, bờ sông Ngàn Sâu đoạn chảy qua xã Ân Phú bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua thôn 1, 2 và thôn 3 (xã Ân Phú) diễn ra ngày càng nghiêm trọng. (Ảnh chụp tại thôn 1).
Theo phản ánh của người dân, thôn 1, 2 và thôn 3 là những thôn bị sông Ngàn Sâu “lấn” nặng nhất, khiến nhiều diện tích sản xuất hoa màu của người dân đứng trước nguy cơ bị “nuốt chửng”. Nếu như 2 năm trước, diện tích đất màu của cả 3 thôn là 11 ha, thì vụ đông năm nay người dân chỉ còn chưa đầy 7 ha đất để sản xuất.
Ông Nguyễn Xuân Khôi (SN 1949, trú thôn 1) chia sẻ về tình trạng sạt lở bờsông Ngàn Sâu đoạn qua thôn 1, 2 và thôn 3.
Dẫn chúng tôi ra tận bờ sông, ông Nguyễn Xuân Khôi (SN 1949, trú thôn 1) cho biết: "Thôn chúng tôi có gần 100 hộ thì hơn 90 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng sạt lở bờ sông. Mỗi năm, bờ sông bị sạt lở ăn sâu vào trong bờ từ 10 - 20 m2, nhiều diện đất hoa màu của tôi và bà con trong thôn đã bị dòng sông “nuốt chửng”. Vụ đông này, gia đình tôi chỉ còn hơn 3 sào đất để sản xuất, giảm 4 sào so với 2 năm trước. Thu nhập vì thế cũng giảm dần theo từng năm".
Cũng theo ông Khôi, vài năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng nghiêm trọng, giờ chỉ cần một trận mưa vừa cũng đã khiến đất “ào ào” trôi xuống sông.
Nhiều ha đất nông nghiệp của người dân thôn 3, xã Ân Phú bị sông Ngàn Sâu “ngoặm” sâu sau mỗi đợt mưa lũ.
Ân Phú là xã thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất lúa ít ỏi chỉ với 3 ha, người dân chủ yếu sản xuất trên đất hoa màu. Thế nhưng, hơn 3 năm nay, diện tích đất màu ở địa phương này đang bị thu hẹp dần do tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra ở mức đáng báo động.
Để khắc phục tình trạng trên, người dân địa phương đã dùng nhiều biện pháp để giữ đất như ra sức kè, trồng tre...; tuy nhiên, tình trạng sông lấn đất nông nghiệp vẫn diễn biến ngày càng nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị Lan (thôn 2) bày tỏ lo lắng: “Diện tích đất càng ngày càng bị thu hẹp, dân số thì tăng, nên sau này, đời con cháu chúng tôi sẽ khó sống nổi bằng nông nghiệp. Hiện tại, diện tích đất nông nghiệp ven sông Ngàn Sâu của người dân thôn 2 đã bị sạt lở nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Bờ sông nay chỉ cách đất ruộng lúa một quãng ngắn, nếu tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra thì gia đình tôi có nguy cơ cao là mất đất sản xuất”.
Bà Lan cũng cho biết thêm, qua các cuộc họp, các buổi tiếp xúc cử tri, người dân trong thôn đã nhiều lần kiến nghị sớm có các giải pháp kè chắn bờ sông Ngàn Sâu để hạn chế tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, mong mỏi đó của bà con đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Các ngành chức năng cần sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng bờ sông Ngàn Sâu bị sạt lở.
Bà Hoàng Thị Hà (SN 1960, trú thôn 3) chia sẻ: “Sau mỗi trận lụt đi qua, chúng tôi ra bờ sông nhìn rất lở mà xót ruột, dòng sông từng ngày, từng giờ nuốt hàng chục mét vuông đất của bà con. Gia đình tôi trước đây có gần 1 ha đất làm màu, nhưng hiện tại chỉ còn chưa đầy 5 sào. Cứ đà này, toàn bộ diện tích đất màu của gia đình sẽ bị nước sông cuốn trôi lúc nào chẳng hay”.
Cũng theo bà Hà, trước kia, dọc hai bên bờ sông Ngàn Sâu có nhiều bụi tre lớn, nhưng khi đất bị sạt lở, cây cối cũng bị cuốn theo dòng nước, bà con rất mong cấp trên sớm có biện pháp khắc phục để giúp người dân yên ổn sinh sống, sản xuất.
Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp khiến thu nhập của người dân xã Ân Phú giảm đáng kể.
Ông Trần Văn Thư - Bí thư Đảng ủy xã Ân Phú cho biết, sông Ngàn Sâu chảy qua địa bàn xã có tổng chiều dài hơn 3 km. Toàn xã có 5 thôn thì có đến 3 thôn bị thiệt hại đất đai nông nghiệp do sạt lở gây ra.
"2 năm trở lại đây, thôn 1, 2 và thôn 3 bị sông Ngàn Sâu cuốn trôi khoảng 2 ha đất nông nghiệp mỗi năm. Đến nay, diện tích đất nông nghiệp của 3 thôn chỉ còn gần 7 ha. Đất sản xuất bị thu hẹp đã khiến việc chăn nuôi của người dân gặp khó khăn do thiếu nguồn thức ăn, thu nhập từ trồng hoa màu giảm sút... Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương. Mặc dù chính quyền và Nhân dân đã triển khai trồng tre ven sông nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng sớm có biện pháp khắc phục để người dân yên tâm sản xuất, tạo sinh kế bền vững”, ông Trần Văn Thư kiến nghị.