Hãy dừng việc bẻ khớp ngón tay
Rất nhiều người có thói quen bẻ khớp ngón tay: có thể chỉ là để nghe tiếng “rắc” vui tai, hoặc chỉ là để trấn tĩnh khi bạn đang bối rối hoặc là bạn thấy mỏi ở ngón tay. Các chuyên gia xương khớp, giảm đau cho rằng, điều này là có hại, vì những lý do sau đây:
Mặc dù không trực tiếp gây ra bệnh khớp nhưng đây là thói quen xấu gián tiếp đẩy nhanh quá trình thoái hóa hoặc viêm khớp. Khi bẻ các khớp ngón tay như vậy sẽ phát ra tiếng kêu rắc rắc, bởi vì tại các khớp xương đều có cấu trúc túi, gồm nhiều các túi nhỏ hoặc khoảng trống chứa chất hoạt dịch khớp. Chất lỏng này có tác dụng bôi trơn và giảm sự va chạm của các đoạn xương khi bạn vận động. Khi bạn bẻ khớp ngón tay hoặc mọi bộ phận khác trong cơ thể để “giãn gân giãn cốt”, không gian trống giữa các khớp xương giãn ra, áp suất giảm khiến chất hoạt dịch bị hút vào các khoảng trống gây ra tiếng rắc rắc mà chúng ta thường nghe.
Thông thường, phải sau 25 - 30 phút kể từ khi bẻ các khớp kêu như vậy, bạn mới có thể bẻ lại được lần nữa. Lý do là bởi, các hạt khí bong bóng này cần 1 khoảng thời gian nhất định mới hình thành trở lại như cũ - vì dịch khớp cần thời gian để bôi trơn trở lại trạng thái cũ.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho biết, tiếng “rắc”, “khục” phát ra là do dây chằng bị kéo dãn quá nhanh hay do sự chà xát mạnh giữa hai khớp xương gây ra. Bẻ khớp tay thường xuyên làm tổn thương các mô nang liên kết xung quanh, làm khớp ngón tay bạn to lên trông thấy. Đồng thời, hệ lụy kéo theo là nó sẽ làm giảm sức cầm nắm của bản thân người bẻ khớp.
Hậu quả của việc bẻ khớp ngón tay:
- Biến dạng khớp ngón tay: Các đốt ngón tay sẽ to và bè ra hơn khi bạn có thói quen bẻ ngón tay thường xuyên.
- Giãn, rách dây chằng quanh khớp ngón tay: Thói quen bẻ ngón tay nếu kéo dài thường xuyên nguy cơ bạn sẽ bị giãn, rách dây chằng quanh khớp tay là điều khó tránh khỏi.
- Viêm hoặc thoái hóa mặt khớp ngón : Chính thói quen bẻ khớp tác động khiến cho thoái hóa, viêm khớp bàn tay diễn ra nhanh hơn. Khi bạn tác động một lực nắn, kéo hoặc bẻ khớp ngón tay, lúc này bề mặt khớp sẽ bị bào mòn nhất là phần sụn, vị trí tiếp xúc giữa hai đầu xương. Thói quen này, lâu ngày nếu không giảm bớt sẽ gây ra tình trạng viêm hoặc thoái hóa mặt khớp.
Bẻ ngón tay ảnh hưởng gì khi về già?
Sụn là vị trí bao quanh hai đầu sương của khớp, màu trắng, có chức năng làm giảm ma sát, là “đệm” giúp toàn bộ cơ thể di chuyển và hoạt động trơn tru. Theo độ tuổi hay có lực tác động từ bên ngoài, bộ phận này càng hư hỏng , khi hư hỏng sụn khớp không thể được tái tạo lại.
Do đó, bẻ ngón tay có nghĩa là bạn đã trực tiếp làm tăng quá trình lão hóa của tế bào sụn, sụn bao quanh vị trí khớp ngón tay sẽ bị tổn thương, nếu vẫn tiếp tục sẽ hình thành các gai xương, đâm vào da gây đau đớn và tổn thương tại khớp ngón tay. Nếu tuổi càng lớn, gân, sụn, dây chằng kém linh động và dễ tổn thương hơn nên việc vặn bẻ khớp sẽ làm tốc độ thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn.
Thói quen bẻ ngón tay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các sụn và khớp tay, điều này sẽ dẫn đến căn bệnh thoái hóa khớp ngón tay. Nhất là độ tuổi người già, quá trình thoái hóa và hư sụn khớp sẽ diễn ra nhanh hơn do các sụn khớp yếu và suy giảm chức năng không như thời trẻ.
Như vậy, bẻ khớp ngón tay không giúp bạn xua tan được cảm giác căng thẳng… Thay vì vậy, sao bạn không thử các bài tập đơn giản nhẹ nhàng: hít thở sâu, đi lại để giảm mỏi, giảm căng thẳng. Đối với dân văn phòng, tránh ngồi quá nhiều một tư thế, mỗi 1 tiếng đồng hồ bạn nên dành ra 5 phút để nghỉ ngơi thư giãn.