Bí mật đằng sau chương trình tên lửa của Triều Tiên

Việc Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên có khả năng vươn tới bang Alaska của Mỹ đã dấy lên các đồn doán liên quan đến việc quốc gia này làm thế nào để đạt được công nghệ nhanh hơn nhiều so với dự đoán.

Các chuyên gia cho rằng những hình ảnh về tên lửa của Bình Nhưỡng cho thấy các đặc điểm của Nga một cách rõ ràng, nhưng rất có thể chúng được phát triển với công nghệ của chính Triều Tiên trong nhiều thập kỷ.

Triều Tiên phóng thử một tên lửa đạn đạo được trang bị hệ thống dẫn đường chính xác tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên. Ảnh: EPA/TTXVN

Chuyên gia Zhao Tong của chương trình chính sách hạt nhân thuộc Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie - Tsinghua cho rằng: "Tất cả các tên lửa được Bìnnh Nhưỡng tiết lộ gần đây có thể liên quan đến một vài thiết kế cũ hơn của Nga mà họ (Triều Tiên) mua từ các thập kỷ trước".

Tuy nhiên, ông nói thêm: "Có thể là thông qua nghiên cứu lâu dài, các kĩ sư Triều Tiên đã đạt được một đột phá quan trọng liên quan đến một số thách thức công nghệ chủ yếu. Tuy nhiên, tôi không thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên đã mua công nghệ mới trong những năm gần đây".

Trong khi đó, nhà phân tích quân sự Song Zhongping nhận định: "Với những gì chúng ta đã chứng kiến, Triều Tiên đã phát triển các động cơ nhiên liệu cứng bằng cách liên tục sao chép các động cơ nhiên liệu lỏng của Nga. Dựa theo đó, họ đã phát triển động cơ nhiên liệu cứng. Không thể tìm ra bất cứ sự tương đồng đáng kể nào giữa các mẫu của Trung Quốc với tên lửa của Triều Tiên. Lí do rất đơn giản, đó là vì Bắc Kinh không muốn Bình Nhưỡng sở hữu và phát triển các tên lửa tiên tiến".

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã trao đổi công nghệ tên lửa với Iran, và giúp nước này phát triển tên lửa. Nhóm tên lửa Hwasong và loạt tên lửa Shahab sau đó của Iran rõ ràng có liên quan. Ngoài ra, một số công nghệ R-27 cũng đã bị phát hiện ở các tên lửa Safir và Simorgh của Tehran.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói