Công nhân chế biến chả cá tại cơ sở Mậu Nguyễn.
30 năm trước, bố mẹ anh Nguyễn Văn Mậu (SN 1988) là ông Nguyễn Công Cự (SN 1959) và bà Đậu Thị Tư (SN 1962), trú tại thôn Hồng Nhất bắt đầu làm chả cá từ nguyên liệu chính là cá mối (hay còn gọi là cá thởng).
“Gia đình có 6 người gồm vợ chồng và 4 người con (1 gái, 3 trai), mỗi ngày làm ra từ 10 - 15kg chả cá. Vì chúng tôi đặt chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu nên làm đến đâu, tiêu thụ hết đến đấy”, bà Tư chia sẻ.
Cơ sở đầu tư hệ thống máy móc phục vụ chế biến chả cá.
Đến năm 2015, người con gái lớn của ông bà lấy chồng xa, những người con trai cũng rời quê hương đến vùng đất khác để lập nghiệp nên cơ sở sản xuất chả cá của ông bà Cự - Tư cũng ngừng hoạt động.
Anh Nguyễn Văn Mậu (người con thứ 2) xuất khẩu lao động sang Đài Loan từ năm 2012. Ngày làm công nhân xây dựng, đêm đêm anh lại tìm đến khu chợ cá ở Đài Bắc để tìm việc làm, tăng thêm thu nhập.
Môi trường mới giúp anh có thêm kiến thức về nghề làm chả cá, đặc biệt là được tiếp cận và làm quen với nhiều loại máy móc để sản xuất chả cá theo hướng công nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Mậu lắp đặt thiết bị để vận hành máy tách xương.
Năm 2019 trở về nước, anh Mậu bỏ 250 triệu đồng mua sắm các loại máy móc như: máy tách xương cá, máy xay, máy quết, máy hút chân không, lò hấp… và bắt đầu thuê thêm lao động, khôi phục lại nghề “gia truyền”.
Anh Mậu cho hay: “Loại cá nào cũng có thể làm ra chả cá nhưng cá mối biển có quanh năm, giá thành tương đối “mềm” (25.000 đồng/kg) nên sản phẩm làm ra vừa túi tiền người tiêu dùng. Quan trọng hơn là không sợ lỡ hẹn với khách hàng vì thiếu nguyên liệu”.
Tuy nhiên, để sản xuất ra loại chả đảm bảo chất lượng, theo anh, yếu tố đầu vào giữ vai trò quyết định nên phải chọn cá thật tươi ngon.
Công đoạn sơ chế cũng khá quan trọng khi cá được bỏ đầu và ruột, sau đó được rửa sạch bằng nước lọc lẫn nước chanh pha loãng để khử mùi tanh.
Sản phẩm được đóng gói, hút chân không, bảo quản trong tủ đá.
Thịt cá sau khi lóc xương sẽ được cho vào ngâm nước muối loãng trong vòng 15 phút rồi đưa vào tủ đá (nhiệt độ từ -3 đến - 5 độ C) cấp đông trong khoảng thời gian 2 tiếng rồi đưa ra xay nhuyễn.
Sau khi xay bằng máy, thịt cá tiếp tục cho vào tủ đá khoảng 30 phút. Thịt cá sau đó sẽ được trộn với các loại gia vị như: muối, bột, tiêu, tỏi, ớt rồi cho vào máy vắt viên; bỏ vào lò chiên dầu và đóng gói đi tiêu thụ hoặc bảo quản lạnh. Chả cá Mậu Nguyễn có thời hạn sử dụng trong khoảng thời gian 6 tháng.
Mỗi tháng, cơ sở này sản xuất từ 150 - 200kg chả cá cung cấp ra thị trường Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội và TP HCM. Dù sản phẩm chỉ có độc nhất 1 chủng loại được đóng gói 15 viên/túi ni lông 0,5kg, được bán với giá 75.000 đồng/túi nhưng chả cá Mậu Nguyễn khá đắt hàng.
Chả cá Mậu Nguyễn “ghi điểm” bởi màu sắc bắt mắt, hương vị đặc trưng, tinh tế, sản phẩm dai, thơm ngon...
Màu sắc bắt mắt, hương vị thơm ngon, chả cá Mậu Nguyễn trở thành món ăn hấp hẫn.
Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, ngày 17/12/2020, chả cá Mậu Nguyễn được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Tại hội thi ẩm thực Hà Tĩnh lần thứ nhất năm 2020, tổ chức ngày 28/12/2020 tại TP Hà Tĩnh, Mậu Nguyễn tiếp tục giành giải C cho dòng sản phẩm chả cá.
Nói về những dự định sắp tới, anh Nguyễn Văn Mậu cho biết: “Tháng 4 năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục cho ra dòng sản phẩm thứ 2 (chả cá dành để nấu lẩu), thành lập công ty và xúc tiến làm việc với các nhà phân phối lớn như Vinmart, Co.opmart... để tiêu thụ sản phẩm”.
Chả cá Mậu Nguyễn giành được nhiều thương hiệu tại các cuộc thi ẩm thực.
Phó Văn phòng NTM huyện Nghi Xuân Lê Thanh Bình cho biết: “Chả cá Mậu Nguyễn là 1/11 sản phẩm của Nghi Xuân được công nhận là sản phẩm OCOP. Chả cá Mậu Nguyễn hiện đang là sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường. Cơ sở này còn tạo việc làm cho 5 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng".