Theo giáo phái nhịn ăn, trên 100 người Kenya chết đói

Số người thiệt mạng vì theo giáo phái “nhịn ăn đến chết” tại Kenya đã lên tới 103 nạn nhân.

Theo giáo phái nhịn ăn, trên 100 người Kenya chết đói

Lực lượng an ninh chuyển một người được cứu sống tại rừng Shakahola, gần thị trấn Malindi, Kenya, nơi phát hiện hàng chục thi thể các tín đồ của một giáo phái ngày 23/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, một nhà truyền giáo Kenya đã bị bắt vào ngày 27/4 với cáo buộc “giết người hàng loạt” trong một vụ điều tra giáo phái tại khu rừng Shakahola.

Bộ trưởng Nội vụ Kenya, ông Kithure Kindiki cho biết các nhà chức trách đang tiến hành điều tra hàng loạt cái chết liên quan đến một giáo phái trong khu vực và nhà truyền giáo Ezekiel Odero đã bị bắt.

Trong trang phục áo choàng trắng và mang theo cuốn sách dày màu đen, mục sư từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên khi đang bị cảnh sát áp giải. Nhà truyền giáo Odero đang đối mặt với các cáo buộc hình sự liên quan đến những cái chết hàng loạt của những người tham gia giáo phái.

Các quan chức đã giải cứu được rất nhiều người đang học theo giáo phái trong trung tâm Cầu nguyện Sự sống Mới của Odero tại thị trấn nhỏ phía Đông Nam Mavueni.

Thị trấn Mavueni nằm cách khu rừng Shakahola khoảng 66 km. Đây là nơi mà thủ lĩnh giáo phái Giáo hội Quốc tế Tin lành tự xưng Paul Mackenzie bị buộc tội ra lệnh cho các tín đồ của mình nhịn đói đến chết để được lên thiên đường. Ông đã tuyên truyền cho những tín đồ tham gia rằng ngày tận thế giới rơi vào ngày 15/4 và những ai nhịn đói đến khi chết đi sẽ là những người đầu tiên được lên thiên đường. Mackenzie đã bị cảnh sát giam giữ từ ngày 14/4. Tuy nhiên, chưa có cáo buộc nào được công bố.

Từ ngày 14/4, các nhà điều tra đã khai quật được thi thể của 95 tín đồ thuộc Giáo hội Quốc tế Tin lành từ những ngôi mộ mới đào trong rừng. 8 người khác được tìm thấy còn sống và tiều tụy, nhưng sau một thời gian cũng không qua khỏi.

Đây được cho là một trong những thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây liên quan đến giáo phái. Dự kiến số người chết còn tăng thêm khi Hội Chữ thập đỏ Kenya thông báo hiện vẫn trên 300 người đang mất tích.

Hãng tin Reuters đã liên hệ với hai luật sư đại diện cho thủ lĩnh Mackenzie, nhưng cả hai đều từ chối bình luận về những cáo buộc chống lại ông ta. Họ cho biết không có đủ thời gian thảo luận với thân chủ kể từ khi những ngôi mộ tập thể được phát hiện.

Một số nhà lập pháp Kenya đã chỉ trích các cơ quan an ninh nước này đã bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn thảm kịch chết người hàng loạt trong rừng Shakahola sau khi có thông tin Mackenzie bị bắt vào tháng trước vì nghi ngờ liên quan đến hành vi bỏ đói và khiến 2 đứa trẻ chết ngạt. Tuy nhiên, Mackenzie sau đó được tại ngoại.

Trong một tuyên bố, cơ quan tư pháp Kenya cho biết đơn vị này đang điều tra xem liệu có bất kỳ hành vi sai trái nào của các quan chức và nhân viên tư pháp xử lý vụ việc hay không.

Kể từ năm 2017, thủ lĩnh giáo phái Mackenzie đã bị bắt giữ nhiều lần liên quan đến một loạt tội danh bao gồm cực đoan hóa và ủng hộ nhiều trẻ em không được đến trường, với lập luận rằng giáo dục không được công nhận trong Kinh thánh. Tuy nhiên, Mackenzie vẫn được tha bổng đối với một số tội danh, trong khi những tội danh khác không bị truy tố không lời giải thích.

Vụ “thảm sát Shakahola” đã làm sống lại cuộc tranh luận về việc kiểm soát các hoạt động tín ngưỡng ở Kenya, một quốc gia mà người dân chủ yếu theo đạo Thiên chúa, nơi “mục sư”, “nhà thờ” và các phong trào tôn giáo khác trở thành chủ đề hàng đầu. Những nỗ lực trước đây về quy định hoạt động tôn giáo đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, đặc biệt là nhân danh sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước.

Tổng thống Kenya William Ruto cam kết sẽ triển khai các biện pháp chống lại những giáo phái lợi dụng tôn giáo. Tổng thống William Ruto đã yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc làm rõ tận gốc rễ hoạt động của các tôn giáo và những người muốn lợi dụng tôn giáo để phát triển một hệ tư tưởng mờ ám và không thể chấp nhận được.

Theo Tin tức

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast