Ngày 21/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay việc này theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Trong công điện hồi đầu tháng, Thủ tướng đánh giá thời gian qua, việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ở một số địa phương còn bất cập, chưa được kịp thời xử lý, ảnh hưởng đến các hoạt động dạy và học tại các nhà trường, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Vì vậy, ông yêu cầu các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Các trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm.
Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực hôm 14/2. Theo đó, trường học chỉ được dạy thêm ba nhóm, và phải miễn phí, gồm: nhóm có kết quả chưa đạt; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi.
Với dạy thêm ngoài trường, cá nhân, tổ chức dạy thêm phải đăng ký kinh doanh, công khai các thông tin về học phí, thời lượng, môn học, thời gian, địa điểm... Cùng với đó, giáo viên không được thu tiền dạy thêm với học sinh trên lớp của mình.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học, hồi tháng 1 cho biết các quy định này nhằm tránh tình trạng học sinh dù không muốn nhưng vẫn phải học thêm ở các lớp do thầy cô, trường học tổ chức.
Theo Văn phòng Chính phủ, quy định này nhận được nhiều sự đồng tình, song còn không ít băn khoăn. Một số ý kiến cho rằng gốc rễ của việc dạy thêm, học thêm là do chương trình học tập nặng, trong khi tâm lý coi trọng bằng cấp của nhiều người còn khá phổ biến. Hiện, chương trình, sách giáo khoa, kỳ thi tốt nghiệp THPT, cách xét tuyển đại học đều mới, tỷ lệ "chọi" vào các trường đại học uy tín ngày càng khốc liệt.
Các trường học, giáo viên đồng loạt dừng dạy thêm từ sau Tết, khiến nhiều phụ huynh, học sinh, đặc biệt nhóm cuối cấp (lớp 9, 12) lo lắng.