Bộ Nội vụ: Vẫn khó giải quyết cán bộ dôi dư sau sắp xếp xã huyện

Các địa phương vẫn còn lúng túng trong giải quyết số cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp.

Trong Báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng hợp số liệu của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy đã tiến hành sắp xếp đối với 18 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện. Còn 10 ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng các địa phương đề nghị chưa tiến hành sắp xếp trong đợt này. Kết quả số lượng ĐVHC cấp huyện giảm là 6 đơn vị.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng đã tiến hành sắp xếp đối với 1.025 ĐVHC cấp xã, vẫn còn 99 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp nhưng các địa phương đề nghị chưa tiến hành sắp xếp trong đợt này. Số lượng ĐVHC cấp xã giảm là 545 đơn vị.

Bộ Nội vụ: Vẫn khó giải quyết cán bộ dôi dư sau sắp xếp xã huyện

Bộ trưởng Bộ Nộ vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Quochoi.vn

Địa phương cam kết nhưng khó thực hiện

Tuy nhiên, một trong những điểm còn khó khăn là giải quyết số lượng cán bộ dôi dư. Cũng theo báo cáo của 43 tỉnh, thành, dự kiến tại các ĐVHC cấp huyện mới hình thành sẽ bố trí số cán bộ, công chức đúng quy định là 1.062 người; số dôi dư là 428 người.

Còn tại các ĐVHC cấp xã mới hình thành sẽ bố trí số cán bộ, công chức cấp xã đúng quy định là 10.043 người; số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 9.534 người; bố trí số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đúng quy định là 8.816 người; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.913 người.

Bộ Nội vụ cho biết, các địa phương đều cam kết và có phương án, lộ trình chi tiết giải quyết dứt điểm số cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư trước năm 2022. Tuy nhiên, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và ban hành các nghị quyết về thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện đã có báo cáo, phản ánh về Bộ Nội vụ là việc giải quyết các chính sách đối với những người dôi dư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khó bảo đảm hoàn thành trước năm 2022.

Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2021, các địa phương có phương án giải quyết dứt điểm số cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư là 146 người; giải quyết được số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 7.006 người và giải quyết được số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.705 người.

Đối với số cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư còn lại đến nay các địa phương vẫn còn lúng túng, chưa có phương án giải quyết, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục đôn đốc, đồng hành và kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện để bảo đảm giải quyết dứt điểm trước năm 2022. Trường hợp các địa phương có khó khăn về các cơ chế, chính sách, về nguồn lực để giải quyết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Vẫn còn tâm lý không muốn giảm

Báo cáo của Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Đó là việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên môn ở một số địa phương thực hiện thí điểm chưa được thực hiện đồng bộ, thống nhất; cơ cấu lãnh đạo cấp phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện ở một số địa phương còn chưa hợp lý, tổ chức bộ máy chưa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

Vẫn còn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến độ thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã vẫn chậm so với lộ trình kế hoạch đề ra. Một bộ phận cán bộ, công chức ở nơi phải sắp xếp chưa ủng hộ việc sáp nhập, có tư tưởng trì hoãn do lo lắng sẽ ảnh hưởng đến vị trí công tác sau khi sắp xếp.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa bộ, ngành và các địa phương trong giải quyết công việc chưa tốt.

Một trong những nguyên nhân cơ bản được báo cáo đề cập là người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa sâu sát, thiếu quyết liệt trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa thực sự nghiêm; trách nhiệm cá nhân đối với tập thể, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ một số nơi còn nể nang, chưa nghiêm túc; đạo đức, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, yếu kém; ý thức trách nhiệm và kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm…

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã do vẫn còn tâm lý không muốn giảm số lượng ĐVHC ở địa phương mình. Một số cán bộ, công chức tại các ĐVHC thuộc diện sắp xếp có tâm lý muốn ổn định, tiếp tục làm việc tại ĐVHC cũ nên tìm các lý do để không tiến hành sắp xếp ĐVHC ở nơi mình đang công tác.

Đối với các địa phương tiến hành nhập từ 2 đến 4 ĐVHC để hình thành 1 ĐVHC mới thì số lượng cán bộ, công chức dôi dư rất lớn. Trong khi số lượng những người nghỉ hưu đúng tuổi, giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế chưa nhiều. Do đó, các địa phương gặp khó khăn khi sắp xếp, bố trí và giải quyết đối với những người dôi dư./.

Tin liên quan:
Theo VOV

Chủ đề Sáp nhập xã ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.