Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ thuế gần 8 nghìn tỷ cho doanh nghiệp

Trong báo cáo vừa trình Chính phủ vào cuối tháng 7, Bộ Tài chính đề nghị xóa hơn 7.963,8 tỷ đồng tiền nợ thuế, nợ phạt, tiền phạt chậm nộp và khoanh nợ thuế 6.731 tỷ đồng cho doanh nghiệp.

bo tai chinh de nghi xoa no thue gan 8 nghin ty cho doanh nghiep

Cán bộ thuế đối chiếu lại hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp. Ảnh: Đức Minh

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước ngày 1/1/2014 là 7.421,286 tỷ đồng, trong đó của người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức khoảng 6.432,141 tỷ đồng và của hộ, cá nhân đã bỏ kinh doanh là 989,145 tỷ đồng.

Số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đề nghị khoanh do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh phát sinh trong giai đoạn từ 1/1/2014 đến thời điểm 31/12/2015 khoảng 6.731 tỷ đồng; trong đó: số nợ của người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức là 5.716 tỷ đồng và của hộ, cá nhân đã bỏ kinh doanh khoảng 1.015 tỷ đồng.

Lý do bất khả kháng

Qua tổng kết việc xử lý nợ thuế, Bộ Tài chính thấy quy định của pháp luật về xóa nợ thuế chưa bao quát hết thực trạng kinh doanh, chưa xử lý được tồn tại về nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do những nguyên nhân khách quan.

Thực tế cho thấy, nhiều người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc có nguồn từ NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2011 theo pháp luật về quản lý thuế nếu chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, người nộp thuế được gia hạn nộp thuế tối đa 1 năm và không phải tính tiền chậm nộp trên thời gian gia hạn.

Vì vậy, những trường hợp khác (phát sinh trước ngày 1/1/2011; công trình qua nhiều năm đến nay chưa được Nhà nước thanh toán hoặc được thanh toán muộn hơn thời gian gia hạn; không phải đầu tư xây dựng cơ bản;...) tiếp tục khó khăn do vẫn bị tính tiền chậm nộp thuế.

Trong những trường hợp nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, mặc dù nhiều người nộp thuế đã tuân thủ pháp luật, nỗ lực nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý thu nợ thuế theo quy định nhưng do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan ngoài ý muốn, họ vẫn còn nợ tiền chậm nộp. Số nợ tiền chậm nộp này hạch toán vào thu nhập sau thuế TNDN khiến doanh nghiệp chịu lỗ kéo dài, ăn vào vốn dẫn đến giải thể, phá sản.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2007 đến ngày 31/12/2013, kinh tế trong nước liên tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, áp lực lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô lớn; thị trường tiền tệ chưa thực sự ổn định, nợ xấu có xu hướng gia tăng; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn cùng với thiên tai, hoả hoạn, tai nạn liên tiếp xảy ra đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Những yếu tố khách quan kể trên khiến người nộp thuế gặp khó khăn chồng chất. Nhiều người nộp thuế kinh doanh thua lỗ. Không ít trường hợp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, phải tạm ngừng hoạt động hoặc thậm chí giải thể, phá sản nhưng không thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục giải thể, phá sản.

Số nợ thuế đã phát sinh từ trước thời điểm mất khả năng thanh toán, giải thể, phá sản (mặc dù đã áp dụng hết các biện pháp cưỡng chế theo quy định mà chưa thu được) bị tính tiền chậm nộp ở mức 0,05%/ngày (18,3%/năm) liên tục tăng thêm trong khi người nộp thuế đã bỏ kinh doanh, hoặc đã giải thể, phá sản.

Căn cứ các quy định của Bộ Luật dân sự về nguyên nhân bất khả kháng, do trở ngại khách, đồng thời để phù hợp với thực tế, Bộ Tài chính trình Chính phủ thực hiện xóa nợ tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN hoặc có nguồn chi từ NSNN nhưng chưa được Nhà nước thanh toán, với số tiền phạt chậm nộp đề nghị xóa tính đến 31/12/2015 hơn 542,5 tỷ đồng.

Xóa, khoanh nợ từ 1/1/2014 đến 31/12/2015

Cũng trong văn bản trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh và khoanh nợ đối với những trường hợp tương tự phát sinh trong giai đoạn từ 1/1/2014 đến 31/12/2015.

Lý giải cho đề xuất này, đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, Bộ Tài chính cho biết, trong những năm gần đây, cả nước có trên 500.000 doanh nghiệp. Hàng năm có khoảng 10% doanh nghiệp giải thể, phá sản nhưng không thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, về phá sản.

Qua tổng kết thi hành Luật Phá sản (năm 2004) thì có 49/63 tòa án nhận đơn và giải quyết tổng số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản. Trong tổng số 336 đơn này, tòa án đã ra 236 quyết định mở thủ tục phá sản và trong đó ra 83 quyết định tuyên bố phá sản.

Như vậy, thực tế phát sinh rất nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đã giải thể, phá sản hoặc bỏ kinh doanh nhưng không làm đầy đủ trình tự, thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.

Còn đối với hộ, cá nhân bỏ kinh doanh, theo thống kê cả nước có khoảng 1,7 triệu hộ, cá nhân kinh doanh. Hộ, cá nhân kinh doanh bỏ kinh doanh đều do thua lỗ. Chính vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, nếu đặt vấn đề phải áp dụng các biện pháp để thu hồi hết nợ của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh là không khả thi, vì họ chỉ còn tài sản đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt thông thường.

Do vậy, để được xóa các loại nợ liên quan đến thuế, Bộ Tài chính cho rằng chỉ xóa nợ cho hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh trước ngày 1/1/2014 và khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh trong giai đoạn từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2015.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định việc xóa nợ sau khi các cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh… xác minh hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh và đã thực hiện cưỡng chế nợ thuế theo quy trình quản lý nghiệp vụ thuế.

Theo Thời báo Tài chính

Đọc thêm

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Năm 2024, Hà Tĩnh cán mốc thu ngân sách hơn 18.100 tỷ đồng, tăng 3% dự toán HĐND tỉnh giao. Mốc son này góp phần điểm tô thêm gam màu sáng cho bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Xác định doanh nghiệp là “bạn đồng hành”, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã trao cơ hội để doanh nhân chủ động thích ứng, mạnh dạn đầu tư, khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế.
Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.