Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” ở trẻ em

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, biện pháp phòng chống tạm thời bệnh viêm gan "bí ẩn" của trẻ em, trước mắt tập trung vào các biện pháp như đảm bảo vệ sinh phòng bệnh cá nhân; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi hắt hơi...

Ngày 13/5/2022, Bộ Y tế đã gửi Công văn số 2480/BYT-DP đến các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực về việc giám sát các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.

Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” ở trẻ em

Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 07/5/2022, trên thế giới đã ghi nhận hơn 300 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại 23 quốc gia thuộc khu vực châu Âu, châu Mỹ, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, trong đó đã có 9 trường hợp tử vong.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, biện pháp phòng chống tạm thời bệnh viêm gan “bí ẩn” của trẻ em, trước mắt tập trung vào các biện pháp như đảm bảo vệ sinh phòng bệnh cá nhân; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi hắt hơi.

Bệnh xảy ra ở trẻ từ 01 tháng tuổi đến 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ca bệnh có thể (ca bệnh giám sát) là những trẻ dưới 16 tuổi có biểu hiện viêm gan cấp tính (không do vi rút viêm gan A, B, C, D, E) với men gan tăng trên 500 IU/l (SGOT hoặc SGPT) và thời gian xuất hiện triệu chứng bắt đầu từ 01/10/2021 đến nay.

Hiện tại nguyên nhân chính xác gây ra viêm gan cấp tính ở trẻ em nêu trên vẫn chưa được xác định, các cuộc điều tra và nghiên cứu về bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đang được tiến hành.

Để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong; Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tập trung chỉ đạo các nội dung, cụ thể:

Các cơ sở y tế trên địa bàn phụ trách khi phát hiện các trường hợp viêm gan cấp tính, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 16 tuổi, phải khám, xác định để phát hiện các trường hợp không rõ nguyên nhân (theo định nghĩa ca bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới);

Đối với các tỉnh có cửa khẩu biên giới, tăng cường công tác giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ để có hướng dẫn, quản lý phù hợp. Trong trường hợp phát hiện các ca nghi ngờ, đề nghị Sở Y tế báo cáo ngay cho các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur trên địa bàn phụ trách để thống nhất việc lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân khi cần thiết.

Tổ chức truyền thông cho người dân biết về tình hình bệnh viêm gan cấp không rõ nguyên nhân và các biện pháp phòng chống tạm thời, trước mắt tập trung vào các biện pháp như đảm bảo vệ sinh phòng bệnh cá nhân; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi hắt hơi để phòng bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân và một số bệnh truyền nhiễm phổ biến khác.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân; tổng hợp, đánh giá tình hình, đề xuất các biện pháp phòng chống và báo cáo về Cục Y tế dự phòng để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ theo quy định.

Trước đó, Bộ Y tế, Cục Y tế Dự phòng cũng đã có các văn bản chỉ đạo ngành y tế các địa phương, các Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus viêm gan cấp tính “bí ẩn”, điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng. Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào mắc viêm gan cấp tính “bí ẩn”.

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.