Bươn chải kiếm sống ở nơi cao và lạnh nhất Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Cái “rét ngọt” miền sơn cước như sợi chỉ mảnh miết lên từng thớ thịt. Từng cơn gió lạnh chiều cuối đông thốc vào mặt, len qua những lớp áo khăn dày như muốn xuyên thấu xương. Trong những lều quán xiêu vẹo, những lao động tự do ở khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đang bươn trải mưu sinh.

Những ngày giáp tết, lượng hàng hóa nhiều hơn ngày thường, cửu vạn vùng biên cũng tất bật để mong kiếm thêm thu nhập để tết thêm đủ đầy.

Với thời gian 8 năm lên đây "cõng" hàng thuê, người đàn ông tên Huy (Xuân Trường - Nghi Xuân) được coi là có thâm niên trong làng cửu vạn. Ở quê chỉ trông chờ vào mấy mảnh ruộng, không đủ nuôi gia đình, anh rời làng lên đây kiếm sống. “Ngày tôi mới lên đây, hàng hóa còn nhiều, tháng cũng kiếm được để gửi về quê cho vợ nuôi 2 đứa con. Mấy năm lại nay thì khó khăn lắm, hàng không có, chủ không thuê, tháng may được 3-4 triệu bạc”.

Tay vân vê điếu thuốc, anh đánh mắt bắt chuyện với một người đàn ông trạc tuổi mình vừa bước chân vào quán: “Răng chú? Có “cuốc” mô chưa?”. “Vừa xong. Bò húc. 600, ba thằng” - “đồng nghiệp” của anh Huy vắn tắt. Có vẻ như, miệng, mũi của anh ta đang dành hết cho việc thở sau “cuốc” hàng nhọc nhằn trong giá lạnh. Biết tôi chưa kịp hiểu, anh Huy quay sang cười: “Nó vừa bốc hàng bò húc xong. Rứa là sáng nay kiếm được 200 nghìn rồi đó”.

Được biết, loại hàng chủ yếu mà cửu vạn được thuê bốc vác là nước ngọt nhãn hiệu Bò húc, bánh kẹo, mỹ phẩm, hoa quả, nông sản… Thường thì mỗi khi có hàng, chủ xe sẽ gọi một cửu vạn nào đó để thương lượng giá cả trọn gói. Cần bao nhiêu người để bốc hết số hàng là tùy “trưởng cửu”, miễn sao công việc hoàn thành trong thời gian nhanh nhất. Ở đây, không có nhiều sự tranh giành bởi hàng hóa không tấp nập như những cửa khẩu phía Bắc.

Vì cuộc mưu sinh, có những người đã gắn bó với miền biên ải này hàng chục năm trời.Với họ,đất dường như đã "hoá tâm hồn" (trong ảnh: anh Huy đang ngồi trong quán nước của bà Hoa chờ được chủ gọi đi bốc hàng)

Khi được hỏi sao không để vợ con dưới xuôi mà lại mang cả gia đình lên đây, anh Cường (quê Sơn Diệm - Hương Sơn) tâm sự: “Ở nhà cũng không có việc gì làm, em đưa vợ lên đây phụ giúp bà dì bán quán nước, với lại cũng để cơm nước, giặt giũ cho em. Cả nhà gần nhau cho đỡ chi phí sinh hoạt”. Đứa bé bé mới hơn một tuổi trên tay vợ anh toét miệng cười hồn nhiên khi thấy người lạ hỏi chuyện. Đôi má bé hồng lên trong cái lạnh tê tái của vùng núi cao. Vì cuộc mưu sinh, bé phải theo cha mẹ lên vùng đất cằn khô này và có lẽ bé là đứa trẻ con duy nhất mà chúng tôi gặp nơi đây.

Dẫu đưa cả gia đình lên sinh cơ như anh Cường hay 8 năm bám trụ như anh Huy thì với họ, mảnh đất này vẫn chỉ là chốn tạm bợ, mưu sinh vì cuộc sống mai này yên bình ở miền xuôi. Ước mong của tất cả những người đang mưu sinh trên vùng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo này vẫn là một ngày về xuôi, chia tay miền biên ải. Thế nhưng, mong muốn đó với một số người vẫn quá xa vời. Và thậm chí, “đất ở” đã hóa “tâm hồn” nên họ mặc nhiên gắn bó, bám trụ ở đây thành nơi lập nghiệp, trở thành người “bản địa”.

Quán hàng nước của “thổ địa” Nguyễn Thị Hoa (quê Trường Sơn - Đức Thọ) đã có thâm niên 20 năm lẻ. Ngày ấy, theo bà chị đi “đánh hàng” từ Lào về Việt Nam bán, sau này buôn bán khó khăn, bà làm cửu vạn. Khi sức khỏe yếu dần, không kham nổi nghề ấy, bà ở lại luôn trên này, mở quán bán hàng cho đến tận bây giờ. “Xa quê lâu quá rồi, một thân một mình nên tôi cũng chẳng biết về quê để làm gì. Tôi có đứa con trai đi xuất khẩu lao động ở Angola được 4 năm rồi, nó vừa lấy vợ bên ấy. Tôi cố ở lại đây, kiếm thêm ít tiền để ngày con trai, con dâu về nước có đồng mà “vun” vào với chúng nó. Mai này…” - bà bỏ lửng câu nói, ánh mắt xa xăm.

Tôi biết, ẩn sau câu nói “cứng” vẫn là mong ước ngày về xuôi, bà Hoa đang cố góp nhặt những sắc xuân cho một ngày xuân đoàn viên.

Trời về chiều, cái lạnh như càng tê tái hơn, bóng những chiếc xe hàng lầm lũi tiến vào cửa khẩu, đám cửu vạn nhanh chân tiếp cận để mong kiếm được “cuốc” cuối ngày. Những ngày cuối năm, họ phải tận dụng tối đa chút “lộc xuân” để có tiền về quê đón tết. Anh Huy tâm sự: “Còn ít ngày cuối năm, hàng hóa cũng nhiều hơn ngày thường nên anh em cố bươn, kiếm thêm thu nhập còn về quê ăn tết với vợ con. Đi làm xa, tết đến nơi rồi, gia đình cũng trông cả vào đây chứ đâu!”. Dõi mắt về phía cửa khẩu mù sương, bà Hoa nói: “Tôi cũng bán đến sát tết mới nghỉ. Ở thì ở trên này nhưng phải về thắp hương cho ông bà tổ tiên ngày tết. Cũng lâu lắm rồi, tôi không về thăm quê”.

Chúng tôi rời cửa khẩu khi sương chiều giăng mù trời. Những phận người mưu sinh vùng biên ải vẫn đang bươn bả kiếm sống. Một mùa xuân mới sắp về. Cái lạnh ngày cuối đông rồi sẽ bị xua tan bởi sức xuân tươi trẻ. Trên gương mặt gian truân của những con người chúng tôi đã gặp vẫn ánh lên tia lửa ấm về một cái tết sum vầy. Họ đang cố “gom xuân” từ miền biên ải.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói