Có lần tôi bị mất điện thoại ở cơ quan. Kẻ trộm giả làm người nhà bệnh nhân. Tôi định thôi không dùng điện thoại nữa, nhưng hôm sau đến bệnh viện, điện thoại của tôi ở đúng vị trí mà tôi đã để trên bàn làm việc, kẻ trộm lấy về nhưng có lẽ vì nó cũ quá, chẳng đáng là bao nên đã vất trả lại tôi.
Không sử dụng các chức năng của điện thoại thông minh, tôi tự thấy mình lạc hậu so với mọi người, nhưng bù lại tôi có thời gian để tương tác nhiều hơn với thế giới xung quanh, để làm các việc mà tôi muốn làm.
Tôi chọn cách không trở thành nô lệ của thiết bị điện tử. Nói như vậy không có nghĩa là tôi quay lưng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, hay là ít kết nối với thế giới xung quanh.
Tôi vẫn sử dụng mạng xã hội đều đặn, nhưng việc không phụ thuộc vào điện thoại thông minh giúp tôi quản lý thời gian tốt hơn.
Ngày nay các thiết bị điện tử, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng…, là phổ biến và quan trọng với mọi người cả trong công việc, học tập cũng như giải trí. Trẻ em cũng vậy. Rõ ràng trong thời buổi công nghệ, người lớn chẳng thể bắt trẻ “trở lại ngày xưa”, nghĩa là chỉ được chạy nhảy nô đùa, chơi quay và đánh khăng, chơi với cún con và búp bê… như trước đây.
Nhưng cái gì quá cũng không tốt. Rất nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh ảnh hưởng tiêu cực của việc lạm dụng thiết bị điện tử, nhất là với trẻ em. Cá nhân tôi cũng cho rằng, nếu bộ não tiếp cận quá nhiều thông tin với tốc độ quá nhanh, thì bộ não ấy sẽ nảy sinh vấn đề.
Hay nói cách khác, khi lượng thông tin đến quá nhiều, bộ não giảm sự chú ý vào một vấn đề cụ thể, giảm khả năng tập trung sâu vào một vấn đề phức tạp. Não cũng không thể phân tích thông tin một cách chuẩn xác.
Lâu dần, não bộ hình thành thói quen hoặc thờ ơ trước thông tin, hoặc dễ dàng tiếp nhận thông tin một cách hời hợt bất kể đúng sai.
Ngày nay ở bất cứ đâu mọi người đều cắm đầu vào chiếc điện thoại. Trong quán cà phê, thay vì nói chuyện với nhau thì mỗi người mải mê lướt mạng, chủ yếu để like dạo. Bữa cơm gia đình chẳng ai nói với ai một câu; lúc cả nhà rảnh rỗi thì con mải mê chơi game, còn bố mẹ mải mê nhắn tin tán gẫu.
Đối với người lớn, do bộ não đã trưởng thành nên khả năng tự chủ và kiểm soát tốt hơn trẻ em. Còn trẻ em từ cơ thể đến não bộ vẫn đang tăng trưởng và phát triển, các chức năng chưa hoàn thiện, khả năng tự chủ và kiểm soát rất kém. Việc tiếp nhận thông tin quá nhiều sẽ tác động đến cả thể chất và tinh thần, dẫn đến suy giảm đáng kể khả năng hiểu, suy giảm phản ứng và trí nhớ, cũng như rối loạn chức năng miễn dịch.
Tôi đã gặp những bệnh nhân đến khám, thường là một thiếu niên đột nhiên vật lộn với những triệu chứng của trầm cảm, nhưng bố mẹ và ngay cả một số nhân viên y tế cũng không nhận ra. Câu hỏi bệnh sử của tôi là: Con sử dụng điện thoại từ khi nào?
Tôi quan sát và nhận thấy, với những trẻ sử dụng điện thoại di động, truy cập Internet từ máy tính và xem tivi quá nhiều, sẽ có những tác hại nhất định cả về thể chất lẫn tâm lí. Biểu hiện chủ yếu là giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, hay cáu gắt, đau đầu. Trẻ có thể ăn uống vô độ, đặc biệt là đồ ăn nhanh, bánh ngọt, nước ngọt dẫn tới béo phì. Ngược lại, một số trẻ bỏ ăn dẫn tới gầy gò, thiếu máu, suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng. Gù lưng, cong vẹo cột sống, cận, loạn thị là những tổn thương phổ biến.
Có những em sau khi sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều đã xuất hiện biểu hiện hay nói dối, không chuyên tâm vào việc học, không muốn tiến bộ, sống ảo…Đó là những lý do mà nhiều phụ huynh nhờ tôi tư vấn cai nghiện điện thoại cho con em họ.
Vậy nên quản lý việc sử dụng điện thoại di động của trẻ em như thế nào?
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo, trẻ em cần ngồi ít hơn và chơi nhiều hơn để phát triển khỏe mạnh, việc trẻ tiếp xúc với màn hình điện tử quá lâu có thể khiến cha mẹ gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc và thời gian ở trẻ, với những trẻ dưới 2 tuổi không nên chạm vào bất kì màn hình điện tử nào, trẻ dưới 5 tuổi lạm dụng thiết bị màn hình có thể dẫn đến tình trạng thiếu ngủ và giảm thấp mức hoạt động.
Trẻ ở mỗi độ tuổi nên có mức độ tiếp xúc với điện thoại khác nhau. Với trẻ từ 3 đến 6 tuổi, WHO khuyến cáo độ tuổi này không nên để trẻ tiếp xúc với màn hình quá 1 giờ mỗi ngày. Rất nhiều cha mẹ mở điện thoại hay ti vi để con ăn, sử dụng game “trông con” tới vài giờ. Khám bệnh nhân, những trẻ trong độ tuổi này thường khóc và giãy giụa, tôi thấy bố mẹ hay mở điện thoại và con mải mê xem nín bặt. Đó là sai lầm nguy hiểm vì chúng ta đang tập cho trẻ nghiện điện thoại.
Trẻ từ 7 đến 11 tuổi là độ tuổi này dễ nghiện điện thoại nhất. Chúng ta không thể cấm đoán hoàn toàn con sử dụng các thiết bị điện tử. Nhưng với những gia đình có con đã “trót nghiện”, thay vì ngay lập tức cấm con không được chơi điện thoại hay tivi, thì hãy thiết lập quy tắc giảm dần thời gian, bắt buộc con phải tuân theo, nếu vi phạm sẽ bị phạt làm việc nhà…
Trẻ từ 12 đến 16 tuổi đang trong giai đoạn dậy thì, bắt đầu nhận thức về bản thân, đã có khả năng tự chủ và tự quản trị bản thân ở mức độ nhất định. Chúng ta vẫn phải quản lý thời gian, ví dụ như chỉ cho phép con được sử dụng điện thoại hay máy tính bảng vào buổi tối để làm bài tập ở nhà. Việc khó hơn là hạn chế con vào mạng để giải trí (như chơi game, xem YouTube) và khuyến khích con sáng tạo (đồ họa, chỉnh sửa video, lập trình).
Nhiều ý kiến cho rằng trẻ không nên mang điện thoại đến trường, hàng ngày giáo viên kiểm tra và giữ điện thoại di động, chỉ trả lại cho học sinh mang về nhà sau giờ học.
Khi tư vấn cai nghiện điện thoại cho trẻ em, tôi hướng dẫn phụ huynh đưa trẻ đi chơi vào những ngày nghỉ, chẳng hạn như ở nội thành Hà Nội có rất nhiều nơi thú vị để tìm hiểu, bồi bổ kiến thức ngoài giải trí; nếu gia đình có điều kiện thì đưa trẻ đi du lịch.
Ngoài ra, khuyến khích và định hướng trẻ tham gia các câu lạc bộ như học đàn, học vẽ, học nhảy, học các môn thể thao..., tất cả những môn này đều phải cần nhiều thời gian rèn luyện.
Hãy tạo cho trẻ một cuộc sống phong phú ngoài bốn bức tường và phát triển các kỹ năng mềm, từ đó “thoát nghiện”.
Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia. |