Campuchia đối mặt nguy cơ dịch vượt ngoài tầm kiểm soát

Ngày 9/3, Campuchia ghi nhận 49 ca nhiễm mới, số ca nhiễm theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát hồi đầu năm 2020, tổng số ca lây nhiễm COVID-19 tại nước này là 1.060 trường hợp.

Campuchia đối mặt nguy cơ dịch vượt ngoài tầm kiểm soát

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, sau khi số ca nhiễm COVID-19 tại Campuchia vượt mức 1.000 ca, ngày 9/3 nước này ghi nhận 49 ca nhiễm mới, số ca nhiễm theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát hồi đầu năm 2020.

Cùng với thủ đô Phnom Penh, thành phố Sihanoukville được đánh giá là “ổ dịch” lớn thứ hai tại Campuchia với hàng loạt ca lây nhiễm liên quan tới “Sự cố cộng đồng ngày 20/2” tiếp sau là các tỉnh Prey Veng và Kandal.

Cơ quan chức năng thành phố duyên hải Sihanoukville xác nhận 12 ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 9/3, nâng tổng số ca nhiễm tại địa phương này lên 129 ca.

Sau khi lệnh phong tỏa và hạn chế ra vào thành phố Sihanoukville được chính thức ban bố từ đêm 3/3, tình hình quản lý cách ly dịch tại địa phương này vẫn khá phức tạp.

Trong tối 8/3, đã có trường hợp một phụ nữ nước ngoài cố tình chạy trốn khỏi thành phố này để tới Phnom Penh nhưng đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Trường hợp này sẽ bị cách ly 14 ngày trước khi bị trục xuất khỏi Campuchia.

Trong khi đó, theo thông tin từ chính quyền tỉnh Takeo, có 7 người nước ngoài khác bị bắt giữ sáng 8/3 vì có ý định trốn khỏi khu cách ly sau khi có 2 trường hợp du khách trước đó trốn thoát.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Y tế Campuchia, tỉnh Prey Veng giáp biên giới với Việt Nam cũng được ghi nhận là “ổ dịch” phức tạp với hàng loạt sòng bạc và khu giải trí tại đây bị phong tỏa và đóng cửa. Tổng cộng đã có 12 trường hợp lây nhiễm COVID-19 tại khu vực này.

Tính đến chiều 9/3, Bộ Y tế Campuchia xác nhận tổng số ca lây nhiễm COVID-19 tại nước này là 1.060 trường hợp, trong đó có 549 ca liên quan tới “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2.”

Số ca mắc mới gia tăng tại một số thành phố của Philippines

Bộ Y tế Philippines ngày 9/3 thông báo nước này ghi nhận thêm 2.668 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 600.428 ca. Tổng số ca tử vong tăng thêm 7 ca, lên thành 12.528 ca. Thêm 171 người hồi phục đưa tổng số người khỏi bệnh lên 546.078.

Tại cuộc họp ngày 7/3 với Tổng thống Rodrigo Duterte, Bộ trưởng Y tế Francisco Duque cho biết số ca mắc mới gia tăng tại vùng đô thị Manila và các khu vực khác. Cụ thể, có 2 thành phố thuộc vùng đô thị Manila đang ở mức nguy cơ nghiêm trọng và 3 thành phố khác ở mức nguy cơ cao.

Ông Duterte cho rằng số ca nhiễm tăng là do người dân Philippines bỏ qua những qui định phòng dịch tối thiểu và thiếu cảnh giác. Ông kêu gọi người dân đeo khẩu trang đúng cách và giữ khoảng cách an toàn.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Philippines, Rabindra Abeyanghe nhấn mạnh sự cần thiết phải thắt chặt các quy định trong cộng đồng để hạn chế sự lây lan dịch, trong đó có việc phát hiện sớm, cách ly và quản lý người bệnh COVID-19.

Ông Abeyasinghe cho rằng chưa xác định được liệu có phải các biến thể dễ lây lan hơn được phát hiện tại Brazil và Nam Phi là nguyên nhân gây ra sự gia tăng số ca mắc không.

Đến nay, Philippines phát hiện 118 ca nhiễm biến thể mới virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh, 58 ca nhiễm biến thể có nguồn gốc từ Nam Phi.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.