Cần có phương án xử lý các khu tập thể xuống cấp, không còn sử dụng ở TP Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sau khi xuống cấp và không còn sử dụng, nhiều khu tập thể trở thành bãi rác ngay giữa trung tâm TP Hà Tĩnh trong khi chính quyền sở tại lại không đủ thẩm quyền để xử lý.

Video: Một số khu tập thể xuống cấp, trở thành nơi tập kết rác thải ở trung tâm TP Hà Tĩnh.

Từ tuyến đường Nguyễn Trung Thiên rẽ vào ngõ 20 gần 50m là đến khu tập thể Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh cũ thuộc tổ dân phố 8, phường Tân Giang. Toàn bộ dãy nhà khoảng 7 - 8 phòng không còn nguyên vẹn. Mái ngói nhiều chỗ bị đổ sập, hở hoác; tường nhà xiêu vẹo; cánh cửa cũng mục nát, bạc màu… Có phòng còn trở thành nơi chứa đủ các thứ rác, bẩn thỉu và nhếch nhác.

Cần có phương án xử lý các khu tập thể xuống cấp, không còn sử dụng ở TP Hà Tĩnh

Cảnh nhếch nhác của khu tập thể Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh sau khi các hộ dân di dời khỏi đây từ tháng 10 năm 2020.

Bà Dương Thị An là một người dân sống ngay cạnh khu tập thể Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh bị bỏ hoang này. Bà An cho biết: “Khu tập thể này được xây dựng từ rất lâu và bị xuống cấp trầm trọng. Từ cuối năm 2020, khu tập thể không còn người ở thì càng xập xệ hơn. Trẻ con chơi đùa, người đi đường đều có thể bị ngói rơi trúng bất cứ lúc nào.

Bởi thế, người dân ở đây lúc nào cũng lo lắng. Chúng tôi đã làm đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền xem xét, tháo dỡ nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.

Cần có phương án xử lý các khu tập thể xuống cấp, không còn sử dụng ở TP Hà Tĩnh

Bà Dương Thị An với tập đơn kiến nghị của những hộ dân sống ở tổ dân phố 8, phường Tân Giang.

Được biết, để bảo đảm an toàn cho người dân, vào tháng 10/2020, UBND phường Tân Giang đã đề xuất thành phố cho di dời toàn bộ số hộ dân sinh sống ở đây tìm nơi ở mới. Từ đó đến nay, khu tập thể này chỉ còn lại “vườn không nhà trống”, không có người ở.

Vì quá lo lắng, một số người dân đã nhiều lần tự dán giấy, đặt biển để cảnh báo nguy hiểm cho người qua lại. Tuy vậy, dãy nhà nằm ngay mặt đường của tuyến ngõ vào khu dân cư, không có hàng rào chắn tách biệt nên mọi sự cảnh báo đều vô tác dụng.

Cần có phương án xử lý các khu tập thể xuống cấp, không còn sử dụng ở TP Hà Tĩnh

Mái hiên của khu tập thể Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh đã bay ngói, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Cần có phương án xử lý các khu tập thể xuống cấp, không còn sử dụng ở TP Hà Tĩnh

Những viên ngói, xà gồ trên mái cũng chực chờ đổ xuống.

Không khá hơn, khu liên cơ tập thể Sở Xây dựng và Sở Công thương rộng hơn 5.000 m2 ở tổ dân phố 12, phường Tân Giang cũng chỉ còn lại đống đổ nát sau khi 18 hộ dân ở đây rời đi vào năm 2020.

Những dãy nhà nơi không còn mái, nơi chỉ trơ lại bức tường nham nhở. Gạch đá, ngói, kính, gỗ mục rơi vãi; lốp xe, rác thải điện tử… cũng bị một số người dân lén lút đổ vào khu vực này, tạo thành những đống rác vô chủ ô nhiễm và nguy hại. Theo người dân, ở đây đã từng xuất hiện một số tệ nạn xã hội do nằm khuất sau khu dân cư và vắng người qua lại.

Cần có phương án xử lý các khu tập thể xuống cấp, không còn sử dụng ở TP Hà Tĩnh

Khu tập thể liên cơ Sở Xây dựng và Sở Công thương ở phường Tân Giang trở thành bãi đổ nát, tan hoang.

Ông Dương Đình Kim - Tổ trưởng tổ dân phố 12, phường Tân Giang cho hay: “Từ thời điểm những hộ dân cư trú ở đây rời đi thì toàn bộ rác thải, vật liệu xây dựng để lại ngổn ngang, chưa được thu dọn và rào chắn.

Vì thế, một số người dân lợi dụng chỗ này để tập kết nhiều loại rác thải gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, một số người còn vào đây đập phá, tháo dỡ để lấy trộm vật liệu xây dựng nên công trình đã xuống cấp lại càng nguy hiểm”.

Cần có phương án xử lý các khu tập thể xuống cấp, không còn sử dụng ở TP Hà Tĩnh

Từ khi không còn sử dụng, khu tập thể liên cơ Sở Xây dựng và Sở Công thương đã biến thành bãi rác.

Niềm mong mỏi lớn nhất của ông Lâm và các hộ dân sống ở khu vực gần khu tập thể này là các cơ quan hữu quan cần có giải pháp xử lý, giải phóng mặt bằng, trả lại mỹ quan đô thị và an toàn cho người dân.

Cần có phương án xử lý các khu tập thể xuống cấp, không còn sử dụng ở TP Hà Tĩnh

Ở đây trở thành nơi tập kết nhiều loại rác thải như: săm lốp, đồ điện tử...

Cách khu tập thể này không xa là khu nhà của Bảo hiểm Xã hội tỉnh (cũng thuộc địa bàn tổ dân phố 12 - phường Tân Giang). Sau khi đơn vị chủ quản này chuyển đến địa điểm mới, toàn bộ khu nhà được chuyển giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính (Sở Tài nguyên & Môi trường) quản lý và chờ bàn giao về địa phương (TP Hà Tĩnh).

Ông Hồ Nhật Lệ - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính cho biết: “Khu đất nằm trong quy hoạch đất công cộng (trồng cây xanh) của TP Hà Tĩnh nên hiện nay vẫn đang giữ nguyên hiện trạng để chờ bàn giao về địa phương. Trung tâm cũng đã phối hợp với các sở, ngành và UBND thành phố đề xuất UBND tỉnh sớm giải quyết, bàn giao nhằm tạo điều kiện cho địa phương chủ động hơn trong công tác quản lý, chỉnh trang cũng như thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”.

Theo ghi nhận, hiện, khu này có khoảng 5 - 6 gia đình mượn tạm để làm nơi ở. Tuy nhiên, nhiều phần cơ sở vật chất đã xuống cấp và xập xệ. Thậm chí, có một gia đình còn sử dụng sai mục đích, cơi nới chăn nuôi và hình thành cơ sở giết mổ gia cầm tự phát ngay trong khuôn viên khu nhà.

Cần có phương án xử lý các khu tập thể xuống cấp, không còn sử dụng ở TP Hà Tĩnh

Một phần khu tập thể Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũ được một gia đình trưng dụng để mở lò mổ gia cầm tự phát.

Chỉ tính riêng phường Tân Giang phải có đến 6 - 7 khu tập thể “hết đát” vẫn đang tồn tại. Ngoài những khu tập thể trên thì còn có khu tập thể Hội Liên hiệp Văn học nghệ Thuật, trụ sở làm việc cũ của Cục Thống kê (nay được đơn vị sử dụng thành khu nhà ở tạm cho cán bộ, công nhân viên)…

Cần có phương án xử lý các khu tập thể xuống cấp, không còn sử dụng ở TP Hà Tĩnh

Khung cảnh nhếch nhác ở khu tập thể Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh.

Ở một số địa bàn khác, tập trung là ở các phường trung tâm như: Nam Hà, Bắc Hà... cũng còn rất nhiều trụ sở làm việc cũ kỹ, không còn sử dụng.

Cần có phương án xử lý các khu tập thể xuống cấp, không còn sử dụng ở TP Hà Tĩnh

Bên trong ngôi nhà thuộc khu tập thể Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũ được trưng dụng làm nơi giết mổ gia cầm.

Điều đáng nói, phần lớn những khu tập thể, trụ sở làm việc mặc dù đơn vị chủ quản không còn sử dụng nhưng do gặp một số vướng mắc liên quan đến quản lý nhà nước nên quỹ đất vẫn chưa được bàn giao lại cho địa phương hoặc cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Một số khác đã được đưa ra đấu giá nhưng vẫn trong quá trình... chờ khách mua.

Vì thế, các khu tập thể xuống cấp ngày càng trầm trọng trong khi chính quyền sở tại không thể giải quyết được những bất cập nảy sinh.

Ông Lê Hữu Hiệp - Chủ tịch UBND phường Tân Giang cho biết: “Hệ lụy lớn nhất là rác thải, ô nhiễm môi trường và tệ nạn xã hội vì thiếu người quản lý, chăm sóc tại các khu tập thể không còn sử dụng. Trong khi đó, việc xử lý những tồn đọng tại những khu vực này vượt quá thẩm quyền của phường vì liên quan đến đất và tài sản trên đất. Hiện nay, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị lên UBND thành phố và các ngành để quan tâm xử lý, giúp địa phương có thể làm vệ sinh môi trường, đảm bảo sự an toàn cho người dân”.

TP Hà Tĩnh đang tập trung triển khai xây dựng đô thị văn minh, và một trong những nhiệm vụ trọng tâm chính là xử lý các khu nhà đã xuống cấp. Thời gian qua, thành phố đã thực hiện các chủ trương của UBND tỉnh trong việc tháo dỡ, di dời dứt điểm một số điểm như: khu tập thể Bệnh viện Đa khoa tỉnh; khu tập thể Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch…

TP Hà Tĩnh cũng tiếp tục rà soát và kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng và đơn vị sử dụng cho tháo dỡ các khu vực không còn sử dụng để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự. Vì thế, rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở để cùng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thành phố trong việc xử lý gắn với xây dựng phương án sử dụng hiệu quả đất đai trong đô thị và tạo dựng cảnh quan, môi trường đô thị văn minh.

Ông Tô Thái Hòa - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Hà Tĩnh

Chủ đề Đô thị loại II

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.