Cần sớm nâng cấp tuyến đê “36 năm tuổi” ở Lộc Hà

(Baohatinh.vn) - Tuyến đê vành đai bằng đất (người dân thường gọi là đê bao) ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đắp cách đây 36 năm, nay đã xuống cấp nên cần sớm đầu tư để phục vụ sản xuất của người dân.

Cần sớm nâng cấp tuyến đê “36 năm tuổi” ở Lộc Hà

Nhiều vị trí trên tuyến đê vành đai của thôn Thống Nhất (xã Ích Hâu) bị sạt lở, xuống cấp.

Tuyến đê vành đai bao quanh toàn bộ vùng đồng ruộng khoảng 130 ha của thôn Thống Nhất (xã Ích Hậu) được làm từ những năm 1986. Tuyến đê dài hơn 2km nối từ cầu Bến Én (giáp ranh giữa xã Ích Hậu với xã Hồng Lộc) xuống cống Cầu Trù (giáp ranh giữa xã Ích Hậu với xã Phù Lưu).

Đây là tuyến đê bao quan trọng, có tác dụng ngăn lũ trên sông, giữ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và là tuyến giao thông nội đồng quan trọng của người dân thôn Thống Nhất. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, đê này đã bị xuống cấp, sạt lở.

Cần sớm nâng cấp tuyến đê “36 năm tuổi” ở Lộc Hà

Nhiều chỗ trên thân đê (hướng phía sông Én) đang có nguy cơ tiếp tục bị sụt lún khi có mưa lụt.

Hiện nay, đỉnh đê chỉ còn cách mặt nước ngoài sông Én chừng 50cm, thân đê nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng cả 2 bên, chiều rộng của đê một số nơi chỉ còn khoảng 1,5-2m, 5 cống thoát nước không có cánh đóng mở. Tuyến mương chạy song song với thân đê có chức năng điều tiết nước trong sản xuất cũng hầu như không còn tác dụng. Với hiện trạng này, tuyến đê bao không thể phát huy được công năng sử dụng.

Ông Phan Bá Đạo ở thôn Thống Nhất cho biết: “Vào mùa mưa, nước từ các xã Hồng Lộc, Tân Lộc, Phù Lưu, Bình An... đổ về khiến mực nước sông Én lên cao, làm tuyến đê ngập sâu gần 1m nên bà con không thể sản xuất, đi lại. Vào mùa nắng, nước sông Én rút xuống sâu, các cống không thể giữ nước nên ruộng đồng bị hạn hán. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành quan tâm, ưu tiên đầu tư nâng cấp công trình quan trọng này”.

Cần sớm nâng cấp tuyến đê “36 năm tuổi” ở Lộc Hà

Đoạn đê ngay dưới cầu Bến Én thường xuyên bị sạt lở nên ông Nguyễn Văn Quế (chủ trang trại chăn nuôi) tự bỏ công sức, tiền của để gia cố.

Việc tuyến đê bao không phát huy hiệu quả đang ảnh hưởng rất lớn đến khoảng 130 ha đất sản xuất lúa của gần 400 hộ dân thôn Thống Nhất (chiếm 70% tổng diện tích đất sản xuất toàn thôn). Để bảo vệ mùa màng, vào vụ hè thu, bà con nơi đây phải xuống giống trước lịch thời vụ để “chạy” lụt. Vụ đông xuân, bà con luôn nơm nớp lo sợ vì thời điểm xuống giống, mạ dễ bị nước ngập hoặc hư hại diện tích đã làm đất.

Ông Nguyễn Văn Quế - chủ trang trại chăn nuôi gần 20 năm ở thôn Thống Nhất khẳng định: “Khoảng 7 năm gần đây, năm nào tôi cũng thấy đê bao bị lũ tràn, cánh đồng bị ngập, nhất là những thửa ruộng sâu nằm ngay sát thân đê, vì thế, việc tu sửa là rất cần thiết. Riêng khu vực gia đình làm trang trại (cạnh cầu Bến Én), tôi thường tự bỏ kinh phí, công sức để đắp đê, canh cống tiêu thoát nước nhằm bảo vệ tài sản”.

Cần sớm nâng cấp tuyến đê “36 năm tuổi” ở Lộc Hà

Ông Nguyễn Văn Tý - Bí thư Chi bộ thôn Thống Nhất chỉ những vị trí thân đê bị sạt lở và cống khó vận hành.

Ông Nguyễn Văn Tý - Bí thư Chi bộ thôn Thống Nhất cho biết: “Nhiều năm nay, tuyến đê bao từ cầu Bến Én xuống cống Cầu Trù xuống cấp gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, nên bà con đã nhiều lần đề xuất lên cấp trên xử lý. Chúng tôi đã huy động nhân lực, phương tiện để khắc phục những đoạn xung yếu nhất nhưng vài ba năm mới làm được một lần vì thiếu kinh phí, lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ”.

“Việc nâng cấp tuyến đê bao này là cần thiết. Xã đã đề xuất lên huyện xem xét và HĐND huyện Lộc Hà cũng đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Bà con đang rất mong muốn cấp trên sớm triển khai dự án quan trọng này” - ông Bùi Trọng Đỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ích Hậu trao đổi.

Chủ đề PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.