Cảnh báo nguy cơ cháy nổ do thắp hương, đốt vàng mã dịp Tết

(Baohatinh.vn) - Dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường xảy ra hỏa hoạn mà nguyên nhân chính là do thắp hương, đốt vàng mã vô ý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã cần tuân thủ đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng cháy càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ

Mặc dù sự cố “cháy nhà đêm 30” xẩy ra cách đây 1 năm nhưng chị H.N ở phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) vẫn chưa hết nỗi ám ảnh.

“Đêm 30 Tết Đinh Dậu 2017, gia đình tôi thắp hương thờ cúng tổ tiên trên tầng 3, sau đó cả nhà đóng cửa đi chơi. 1 tiếng sau nghe hàng xóm gọi điện thông báo nhà mình bị cháy, tôi tá hỏa chạy về đã thấy khói, lửa trùm kín cả tầng 3. May mắn được lực lượng chữa cháy đến kịp thời nên ngọn lửa không bén xuống tầng 1, tầng 2. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống bàn thờ, sàn gỗ, trần gỗ ở tầng 3 bị thiêu rụi, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Năm đó, cả nhà mất Tết” – Chị H.N kể.

canh bao nguy co chay no do thap huong dot vang ma dip tet

Thắp hương, đốt vàng mã tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao

Sáng ngày 20/1/2017, một hộ gia đình ở TX Hồng Lĩnh suýt bị mất nhà vì bất cẩn trong lúc thắp hương cúng ông Táo. Theo đó, vào khoảng 9 giờ, người dân phát hiện khói, lửa bùng phát tại khu vực tầng 2 căn nhà. Khi phát hiện hỏa hoạn, người dân xung quanh đã dùng nước và các dụng cụ thô sơ để dập lửa đồng thời gọi điện báo cho đội cảnh sát PCCC&CNCH Hồng Lĩnh.

Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do chủ nhà thắp hương, sau đó cháy số cồi hương “hóa hương”, cháy lan sang số vàng mã để cúng ông Táo” hệ thống dây dẫn điện.., và rời tàn xuống gây cháy tủ phía dưới.

Còn anh L.T.A ở Thạch Tân cũng mất hàng chục triệu để sửa lại chiếc xe khách khi đêm 30 thắp hương cầu cho một năm mới đi đường an toàn, làm ăn gặp may mắn. “Tối đó trời mưa nên cắm hương đầu xe cứ bị tắt nên tôi đưa lư hương vào đặt trong cabin. Do mãi đi chúc Tết hàng xóm nên tôi cũng quên là đang thắp hương trong xe. Một lúc sau, cả xóm tá hỏa khi nghe mùi khét lẹt. Tôi mới giật mình chạy về thì thấy tàn hương đổ xuống nệm xe đang bén cháy âm ỉ. Cũng may phát hiện và chữa cháy kịp thời nên chỉ mới hỏng vài bộ ghế” – anh L.T.A cho biết.

Không chỉ thắp hương trong nhà, đình chùa mà người dân còn có thói quen thắp hương tại công sở, chợ, ki ốt bán hàng… vào những ngày Tết. Đây là những môi trường dễ gây cháy do không có người thường xuyên trông coi. Và hậu quả của nó thì vô cùng lớn.

Cẩn tắc vô ưu

Thờ cúng tổ tiên vốn là truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt từ xa xưa đến nay. Cùng với đó là việc thắp hương, đốt vàng mã, nhất là vào các ngày rằm, mùng một, đặc biệt tăng cao vào các dịp Tết. Điều quan trọng là phòng ngừa hỏa hoạn đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.

canh bao nguy co chay no do thap huong dot vang ma dip tet

Khi đốt vàng mã, phải sử dụng thùng chuyên dụng (kim loại, sành) có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro, đề phòng cháy ngầm.

Theo Thượng tá Hoàng Văn Long – Trưởng phòng PC 66, nguyên nhân của những vụ cháy này đều do sự sơ ý của người dân thắp hương, đốt vàng mã gây nên nguy cơ cháy nổ cao tại đình chùa, gia đình, hay ngay chính nơi làm việc, các khu chung cư tập trung đông người. Chợ cũng là nơi mà việc đốt hương, vàng mã vào ngày thường, ngày rằm, mồng một diễn ra phổ biến.

Nhằm đảm bảo an toàn PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần cẩn trọng việc thắp hương, thắp nến, thờ cúng và hóa vàng mã; phải thắp hương cách xa trần gỗ, xa các vật dụng dễ cháy và phải có người trông coi; không nên đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có khối lượng lớn để tránh nguy cơ gây hỏa hoạn. Khi đốt vàng mã, phải sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro, đề phòng cháy ngún. Người dân tuyệt đối không đốt vàng mã ở những nơi cấm như chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy.

Bên cạnh, việc bố trí nơi thắp hương thờ cúng, các vật dụng trang thiết bị trên bàn thờ đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, luôn có biện pháp ngăn chặn cháy lan, việc thắp hương phải có người trông coi, tránh việc thắp hương vòng qua đêm, đặc biệt khi sử dụng nến cần phải được kê trên các đế đỡ không cháy.

Tại các khu vực đền, chùa cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức PCCC cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, phát trên loa tuyên truyền cho khách đến cúng, viếng, có ý thức chấp hành về PCCC.

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.