Đang cùng nhau trò chuyện rôm rả, một thợ xây ở xã Thạch Lâm quay sang hỏi tôi: “Có phải vừa rồi ở Lộc Hà, công an bẻ gãy tay một em bé và đánh chết một cụ già?”. Bị “sốc” trước câu hỏi ấy, song tôi vẫn điềm tĩnh hỏi lại: “Ai nói với anh như vậy?”. Anh nói: “Anh làm nghề này đi nhiều nơi nên biết nhiều chuyện. Vừa rồi, anh đi làm nhà cho một người dân ở xã gần đây, nghe họ nói thế”.
Nhiều loại hải sản đã an toàn, có thể sử dụng làm thực phẩm, nhưng không ít đối tượng vẫn tung tin thất thiệt, bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận.
Chưa hết, anh còn nói, họ bảo đừng ăn cá vì cá nhiễm độc, ăn sẽ bị ngộ độc lâu dài. Không chỉ khẳng định thực tế không hề có chuyện như anh nghe thấy, tôi còn cho anh xem những bài báo đã viết về sự thật tại Lộc Hà, những nỗ lực của ngành chức năng trong việc lật tẩy thủ đoạn của các phần tử lợi dụng cơ hội kích động, lôi kéo người dân tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng.
Cùng chủ đề liên quan đến sự cố môi trường biển, chị Nguyễn Thị Thìn cũng ở xã Thạch Lâm kể một câu chuyện không thể tin được: “Vừa rồi, tôi đi chợ mua một mớ cá trích. Khi đang rửa cá ở giếng thì chị Hằng ở cạnh nhà trông thấy, vội vàng sang nói: Đổ cá đó đi, chưa ăn được mô. Vì thường đau ốm nên sợ quá không dám ăn, phải nấu cho lợn. Nghe đâu, người nhà chị Hằng ở Thạch Bình (TP Hà Tĩnh) nói, dạo này, ở Thạch Hội (Thạch Hà), cứ đêm đêm, cơ quan môi trường thuê người đi chôn xác cá ven biển để không ai trông thấy”.
Hai câu chuyện trên cho thấy, cách nhìn nhận, dư luận trong nhân dân, nhất là tại một số vùng nông thôn vẫn còn rất phức tạp. Trong khi, những thông tin nước biển đã an toàn, nguồn lợi thủy sản đã sinh sôi trở lại, cá tầng nổi đã ăn được, việc mua bán cá, mực và hải sản nói chung đã nhộn nhịp trở lại tại các bãi biển Thạch Kim, Cửa Nhượng, Thạch Hải, Kỳ Xuân... và tại các chợ cá từ thành phố đến các vùng quê được các cơ quan báo chí liên tục cập nhật, phản ánh vẫn chưa được người dân tiếp cận đầy đủ. Ngược lại, theo tâm lý phổ biến, người dân thường quan tâm, truyền tai nhau nhiều thông tin ở dạng tin đồn, thêu dệt, bịa đặt, gây ra những tác hại lớn đối với cộng đồng mà trước nhất là cho chính họ và gia đình họ.
Vẫn biết, đã “tam sao” thì hay “thất bản”, nhưng có một sự thật khác đằng sau những câu chuyện kể trên, mà mỗi người dân cần tỉnh táo nhận diện, cảnh giác, đó là, có những phần tử phản động, cực đoan lợi dụng tình hình hiện nay để thực hiện mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền bằng chiêu bài xuyên tạc, bóp méo sự thật, tạo sự hoang mang, nghi ngờ, mất niềm tin trong nhân dân; kích động, xúi giục một bộ phận người dân quá khích gây rối...
Viết đến đây, tôi lại nghĩ đến một câu chuyện kể về một người dân theo đạo ở Thạch Bằng (Lộc Hà) đã tỉnh táo trong nhìn nhận sự việc. Vì quý tình cảm của ông Trần Văn Quốc (67 tuổi) làm bảo vệ ở Phòng khám Hồng Sâm (đường Hải Thượng Lãn Ông, TP. Hà Tĩnh) trong một lần đến khám bệnh, người này đã lên phòng khám mang theo 2 con cá biển biếu ông và nói: “Cá biển mới về, tươi lắm, mang biếu bác về ăn chứ dân nhà em ăn từ lâu đến giờ. Em nói bác chứ, dại gì mình đi theo đám đông lên trụ sở chính quyền mà biểu tình. Chính sách thì mình được hưởng, quyền lợi là của mình. Cũng không phải kéo lên đó như thế là được nhiều quyền lợi hơn, thậm chí còn làm sai dính vòng lao lý”.