Thời gian qua, tình trạng cò mồi, lừa đảo xuất khẩu lao động liên tục được các cơ quan thông tin đại chúng cảnh báo, trong khi cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước vẫn đau đầu tìm giải pháp nhằm ngăn chặn hữu hiệu và xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm. Vậy nhưng số lao động bị lừa gạt, chiếm đoạt tiền vẫn không giảm.
Ở nhiều vùng quê nghèo, người dân luôn ước ao có “phép màu” giúp cuộc sống của họ đỡ khó khăn, túng bấn. Với nhiều người, đó chính là được đi xuất khẩu lao động. Mong muốn có cơ hội cải thiện cuộc sống bằng việc đi lao động ở nước ngoài, song không ít người lại rơi vào cảnh nợ nần chồng chất do nạn lừa đảo xuất khẩu lao động gây ra.
3 đối tượng bị Công an huyện Yên Thành, Nghệ An bắt giữ hồi tháng 4/2014 vì hành vi lừa đảo XKLĐ |
Trong số những vụ lừa đảo xuất khẩu lao động, phải kể đến vụ lừa đảo, đưa người đi xuất khẩu lao động của Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn Nhân sự Việt ở thành phố Hồ Chí Minh vừa bị Tòa án nhân dân thành phố xét xử và tuyên phạt 15 năm tù vì tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Mặc dù công ty này không có chức năng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhưng từ tháng 12/2009 đến tháng 9/2010, Tiến đã lừa gần 100 người, hứa đưa họ đi làm các ngành nghề như điện tử, cơ khí, may… tại Nhật Bản, rồi chiếm đoạt gần 1,9 tỷ đồng.
Trước đó, Chu Đình Huy, trú tại Khu đô thị Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng của 200 người ở hơn 10 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng với lời hứa đưa người lao động sang Nhật Bản làm việc.
Còn tại Nghệ An, 5 năm trở lại đây, ở địa phương này đã xảy ra gần 10 vụ lừa đảo xuất khẩu lao động. Tháng 4 vừa qua, cơ quan chức năng của tỉnh này đã điều tra, triệt phá đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động, do 3 đối tượng là Ngô Thu Lý, Giáp Văn Trung (ở xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) và Chu Ngọc Lâm (ở xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cầm đầu.
Hiện tại, câu chuyện 35 lao động bị Công ty Cổ phần đầu tư, thương mại phát triển SoNa ở thành phố Vinh - đơn vị chỉ được phép tư vấn, giới thiệu và cung ứng lao động chứ không có chức năng xuất khẩu lao động, nhưng lại ngang nhiên ra thông báo tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn “rất nóng” ở Nghệ An. Công ty này không những thu tiền sai quy định mà còn khiến người lao động hiểu lầm đây là Công ty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại SONA, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra, phối hợp với cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân thành phố Vinh kiểm tra công ty này và xử lý 3 tội. Theo Nghị định 19, công ty này chỉ được tư vấn, giới thiệu việc làm nhưng lại tư vấn không đúng, không thật với người lao động. Lỗi thứ 2 là không được thu tiền cọc nhưng lại thu. Lỗi thứ 3 là treo biển cáo nhưng lại không rõ ràng. Đối với 3 lỗi đó, chúng tôi rút giấy phép và yêu cầu công ty kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân”.
Nắm được tâm lý của người dân là khao khát làm giàu nhanh, nhiều đối tượng đã làm giả giấy tờ, hồ sơ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài, có dấu giả và giả mạo chữ ký của cơ quan chức năng để lừa đảo và chiếm đoạt tiền của người lao động. Không chỉ giả danh cán bộ của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động về tận các vùng quê để tuyển người, một số đối tượng còn thông qua các trang mạng để lừa người lao động.
Một hình thức lừa đảo khác cũng được là các đối tượng áp dụng là dụ dỗ người lao động đi xuất khẩu lao động "chui" thông qua các con đường du lịch, du học, thăm người thân, kết hôn giả, rồi bán cho chủ sử dụng lao động ở nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại SONA |
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại SONA, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Thời gian vừa qua, chúng tôi nhận được nhiều thông tin từ người lao động hỏi về rất nhiều thị trường như Angola, Nhật Bản, Hàn Quốc… Chúng tôi cũng phải cảnh báo cho người lao động ngay, có khuyến cáo người lao động phải tìm hiểm kỹ về đơn vị tuyển dụng lao động, các đơn hàng cũng như các điều kiện của các đơn hàng để tránh bị lừa trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Bởi những công ty mà hứa với người lao động là khi được tuyển xong là có thể xuất cảnh ngay, thì những công ty đấy cũng phải đặt vấn đề”.
Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra cảnh báo, gần đây liên tục xuất hiện thông tin, thông báo tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Angola và Cộng hòa liên bang Đức với các điều kiện về thu nhập và chi phí không đúng quy định. Đối với Nhật Bản, hiện Chương trình tuyển chọn, đào tạo điều dưỡng và hộ lý sang làm việc tại thị trường này chỉ có một đầu mối duy nhất là Cục Quản lý lao động ngoài nước thực hiện. Tất cả các công ty khác đều không có chức năng này.
Ông Tống Hải Nam |
Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định: “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, rà soát lại việc thông báo tuyển đối với lĩnh vực này. Nếu đối tượng, cá nhân không có chức năng hoạt động trong lĩnh vực này thì chúng tôi sẽ thông tin để các cơ quan điều tra vào cuộc điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Còn nếu đấy là những doanh nghiệp có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động ra ngoài, thì tùy mức độ vi phạm của doanh nghiệp, chúng tôi căn cứ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật của mình, nhiều kẻ lừa đảo xuất khẩu lao động đã phải ra trước vành móng ngựa, đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều người rơi vào đường cùng vì trót "đánh bạc” với số phận.
Song số người bị lừa đảo xuất khẩu lao động đến trắng tay, nợ nần vẫn xảy ra đang cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của cơ quan chức năng và người lao động- đối tượng của những kẻ làm ăn bất chính- cần phải tự nâng cao kiến thức, cảnh giác trước những hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động./.