Có lẽ, ở đâu trên đất nước Việt Nam này, dưới bóng tre xanh, bên dòng kênh nhỏ... ông bà, cha mẹ cũng dùng những câu ca dao về ân nghĩa làm bài học đầu đời để dạy bảo cháu con...
Tôi cũng được lớn lên trong bầu sữa ấy. Đó là bầu sữa của tình yêu thương giữa người với người. Những câu ca như: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… đã dạy cho bao thế hệ con trẻ biết sống đầy thương yêu.
Những bài học về ân nghĩa cứ theo sự lớn lên của những đứa trẻ mà mở dần biên độ. Hẹp thì với người thân trong gia đình, họ hàng, làng xóm, rộng hơn chút nữa là với người trong thôn, trong xã. Sau này, khi tới những chân trời xa thì ân nghĩa với đồng bào, khi cánh cửa thế giới rộng mở thì sẻ chia với những số phận kém may mắn khắp năm châu… Tình yêu thương, lòng nhân từ cứ theo mỗi người, mỗi làng, mỗi xã… mà làm nên truyền thống yêu thương đùm bọc nhau của người Việt.
Cho tới bây giờ, dù chân có đi trăm nẻo, trí có được bồi đắp bao nhiêu bài học mới, tôi cũng không thể nào quên được giọng ngâm ca dao trầm bổng của bà nội trong những buổi trưa mùa hè oi ả, trong những mùa lụt ngập băng cả hàng chè mạn hảo, nước leo lên tận chạn nhà… Những câu ca dao ấy như giăng mắc đâu đó trong những lùm tre xanh, giữa những hàng cau, hàng cọ làng tôi. Cho đến năm chừng như tôi lên 7, khi lần đầu tiên cùng bà trải qua trận lụt lớn, tôi mới hiểu những điều bà dạy một cách cụ thể, sinh động nhất.
Bà tôi có tận 5 người con trai mà tất cả đều thoát ly, chỉ mỗi bà ở lại giằng néo với mưa, với lũ. Thế mà bà vẫn rất vững tâm. Vững tâm bởi xung quanh vẫn còn chòm xóm. Biết bà cháu tôi cô quạnh, lâu lâu lại có người làng chèo nôốc (thuyền) đến mang cho củ sắn, củ khoai hoặc mớ cá tép vừa kho còn nóng hổi. Bà nhận và không quên cám ơn kèm theo câu nói: “một miếng khi đói bằng một gói khi no chú ạ”!
Mùa lũ, mọi người dường như không dám ngủ, mắt cứ chong lên canh con nước. Đêm tối nhưng chốc chốc lại có người ghé qua hỏi thăm bà cháu. Bà tôi bao giờ cũng ân cần trò chuyện. Và khi họ về bà lại đọc cho tôi nghe rất nhiều câu ca dao cổ với lòng biết ơn như: “Có câu tích đức tu nhân/ Hoạn nạn tương cứu, phú bần tương tri”, “Thấy ai đói rách thì thương/ Rét thường cho mặc đói thường cho ăn”…
Sau này, khi lớn lên, tôi mới biết, không chỉ mỗi làng tôi bị ngập lụt và không chỉ có người làng tôi mới đối tốt với nhau. Ở thời kỳ thông tin chưa nhanh nhạy như bây giờ, mấy ai biết đến khái niệm cứu trợ, có chăng chỉ là sự chia sẻ của người trong làng, trong xã với nhau. Nhà đông người hỗ trợ nhà ít người. Nhà ở trên cao giúp nhà dưới thấp. Nhà no lo cho nhà đói… Cứ thế mà dắt dìu nhau đi qua mùa bão này đến mùa lũ khác.
Người miền núi có cách giúp nhau của người miền núi. Người miền biển có cách yêu thương của người miền biển. Cứ thế mà hình thành nên một thứ phản xạ mang tên sẻ chia. Để rồi, thế hệ này nối thế hệ khác cứ lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc nhau như vậy. Và rồi, những đứa con của làng khi đi xa cũng mang theo cái phản xạ đó để đối đãi với cuộc đời, với những người họ gặp.
Nếu nói về thiên tai thì có lẽ không ở đâu phải chịu nhiều bằng Hà Tĩnh. Sống chung với lũ, mất mát trong bão lũ, làm lại sau bão lũ là chuyện quá đỗi bình thường với người dân nơi đây. Ấy vậy mà, người quê tôi không vì manh áo chưa ấm, không vì nồi cơm chưa đầy của nhà mình mà không chủ động sẻ chia khi ở đâu đó đồng bào cần.
Điều đó đã được chứng minh qua nhiều cơn hoạn nạn và gần nhất là trong cơn bão Yagi vừa qua. Khi đồng bào miền Bắc chìm trong thiên tai thì người người, nhà nhà, làng làng, xã xã… không ai bảo ai, chủ động quyên góp tiền của, chế biến thực phẩm để gửi ra miền Bắc. Ngoài 53 tỷ đồng tiền mặt và nhu yếu phẩm trị giá 5,8 tỷ đồng, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân còn ra tận nơi chia sẻ với đồng bào.
Nhiều người nói rằng, người Hà Tĩnh đang trả nghĩa với đồng bào nhưng tôi biết, dù không phải trả nghĩa thì sẻ chia cũng là phản xạ vô điều kiện của người dân quê tôi khi ở đâu đó đồng bào hoạn nạn. Chẳng những thế mà có rất nhiều doanh nhân quê Hà Tĩnh, dẫu đang trong vùng bị thiên tai, dẫu đang phải oằn mình khắc phục hậu quả của bão Yagi nhưng vẫn dành một phần lớn tài sản của mình giúp đồng bào miền Bắc tái thiết cuộc sống…
Chẳng những thế mà những người nông dân quê tôi đã bớt một phần “gạo thịt” của gia đình mình để gửi ra miền Bắc. Chẳng những thế mà bao em nhỏ đã tình nguyện gác lại niềm vui Trung thu của mình để sẻ chia với các bạn nhỏ đang chịu nhiều mất mát sau thiên tai. Và nhiều, nhiều nữa những đơn vị sẵn sàng “sẻ chia” lực lượng đang chuẩn bị ứng phó với cơn bão mới để đưa cán bộ, kỹ sư, công nhân… ra giúp các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả của bão Yagi…
Mỗi lần nghĩ về những ân tình mộc mạc mà thắm đượm đó, tôi lại nhớ về dáng vóc nhỏ bé của Hà Tĩnh trên eo đất miền Trung đầy nắng gió. Tôi đã đọc rất nhiều tư liệu về sự hình thành địa chất cũng như lịch sử, văn hóa của Hà Tĩnh và càng thấm thía về những bài học đầu đời. Tôi hiểu vì sao, đất Hà Tĩnh lắm mưa nhiều nắng, trời lắm bão nhiều giông đến vậy mà tự bao đời, từ người bản địa cho đến người tứ xứ phiêu dạt về đây đều neo mình, bám đất, lập làng. Họ chung sống hòa bình, cùng sinh con đẻ cái và làm nên quê hương. Đó há chẳng phải là vì ân tình, ân nghĩa giữa người với người sao?!
Người Hà Tĩnh là vậy, “lớp cha trước, lớp con sau”, trải bao gừng cay, muối mặn “mà sống chắt chiu câu nghĩa tình”. Ân tình, ân nghĩa giữa những người dân bản địa với nhau, giữa người Hà Tĩnh với đồng bào cả nước, với Nhân dân các dân tộc khác trên thế giới đã được khẳng định trong nhiều “cơn hoạn nạn”. Tôi không dám nói người Hà Tĩnh sống trọn tình trọn nghĩa hơn người dân vùng quê khác nhưng tôi có thể tự tin đặt tay lên trái tim mình mà tự hào về truyền thống tương thân tương ái của người quê tôi. Và hẳn là ức triệu người dân Hà Tĩnh cũng vậy, luôn ấm nóng một niềm tin yêu, tự hào về vùng quê “nắng lửa mưa giông” mà câu nhân nghĩa đã lắng vào hồn non sông này…