Giãn cách 2 tuần tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác khiến cho những phương tiện di chuyển như xe máy, ôtô không còn được sử dụng nhiều như trước, thậm chí là nằm yên trong nhà, bãi gửi xe. Việc đỗ xe một chỗ quá lâu có thể khiến cho xe gặp phải nhiều vấn đề như hết điện hay bị chuột cắn phá.
Để giải quyết vấn đề này, chủ xe có thể tham khảo những cách chăm xe để lâu không sử dụng dưới đây.
Hạn chế gài phanh tay nếu đỗ xe lâu ngày
Thông thường khi đỗ xe, người lái sẽ kết hợp kéo phanh tay và về số P để giúp xe không di chuyển. Tuy nhiên việc gài phanh tay quá lâu có thể gặp tình trạng kẹt phanh, đồng nghĩa người lái có hạ phanh tay xuống thì má phanh vẫn giữ chặt vào đĩa phanh. Tình trạng này rất dễ gặp đối với những xe sau khi rửa hoặc chạy dưới mưa rồi đỗ qua đêm.
Không nên gài phanh tay nếu đỗ xe quá lâu.
Nguyên nhân khiến phanh tay bị kẹt là do đĩa phanh bị gỉ sét do tiếp xúc với nước, môi trường nhiều độ ẩm tại Việt Nam cũng khiến cho quá trình gỉ sét diễn ra nhanh hơn. Vì thế nếu đỗ xe lâu ngày, chủ xe không nên gài phanh tay mà chỉ cần về số P và tìm vật chặn bánh xe. Nếu chỉ cài số P mà không chặn bánh xe thì dễ khiến ngàm giữ bên trong hộp số bị gãy khi có lực tác động đủ mạnh.
Trong trường hợp gặp phải tình trạng má phanh bị bó cứng vào đĩa phanh, người lái có thể thử cách vào số tiến và lùi vài lần để má phanh tự bung ra. Trong trường hợp bị nặng, nên liên hệ với các cơ sở sửa chữa để được hỗ trợ khắc phục.
Nổ máy xe 5-7 ngày/lần
Dù không sử dụng xe, một vài thiết bị điện tử trên xe như chống trộm, còi, đèn cảnh báo... vẫn hoạt động dưới dạng chờ nên vẫn tiêu thụ lượng điện nhất định. Không có con số cụ thể về thời gian ắc-quy hết điện, hầu hết người dùng lâu năm đều khuyên nên nổ máy xe sau mỗi 5-7 ngày này giúp ắc-quy được nạp điện trở lại. Ắc-quy cũ sẽ nhanh hết điện hơn ắc-quy mới.
Nổ máy xe sau 5-7 ngày giúp ắc-quy được sạc.
Nếu như không thể nổ máy xe trong suốt mùa dịch, chủ xe có thể lựa chọn phương pháp tháo cọc âm của ắc-quy hoặc đưa xe về chế độ tiết kiệm điện (chỉ có trên một số dòng xe). Cách làm này giúp cho lượng điện trong ắc-quy gần như không bị hao hụt, tuy nhiên các hệ thống như chống trộm, mở khóa xe bằng chìa sẽ không thể hoạt động.
Khi ắc-quy hết điện, xe sẽ không thể khởi động, lúc này người dùng sẽ có 3 phương án lựa chọn để khởi động xe: Sạc lại ắc-quy, kích điện ắc-quy hoặc đấu dây điện từ ắc-quy khác. Hầu hết người dùng ôtô thường lựa chọn phương pháp đấu dây điện từ ắc-quy xe khác để nổ máy, khi xe đã nổ máy thì ắc-quy trong xe cũng bắt đầu được sạc. Đối với phương án kích điện, người dùng cần mua bộ kích với giá khởi điểm khoảng 1 triệu đồng.
Đổ nhiên liệu đầy bình
Trong không khí luôn có hơi nước, nếu để bình nhiên liệu có quá nhiều khoảng trống dễ khiến xăng/dầu nhiễm nước, về lâu dài sẽ khiến cho các cảm biến nhiên liệu cũng như động cơ nhanh hỏng. Đổ đầy bình nhiên liệu là cách đơn giản nhất để hạn chế tình trạng này.
Đổ đầy bình nhiên liệu hạn chế tình trạng nhiên liệu bị nhiễm nước.
Tuy nhiên xăng/dầu để lâu cũng khiến cho chất lượng bị giảm đi ít nhiều, khi sử dụng dễ xảy ra tình trạng động cơ hoạt động không mượt, nóng máy... Nếu có thể, người dùng nên đổ thêm dung dịch ổn định nhiên liệu giúp hạn chế việc chất lượng nhiên liệu bị giảm đi. Giá bán của dung dịch này tương đối rẻ, chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng cho một chai dung dịch.
Giữ xe sạch sẽ
Một chiếc xe sạch không chỉ tốt về mặt thẩm mỹ mà còn giúp hạn chế được tình trạng gỉ sét hay thu hút côn trùng, động vật. Những vết bẩn mới dính trên xe rất dễ để lau chùi, tuy nhiên nếu để lâu thì rất khó để tẩy và có nguy cơ làm hỏng lớp sơn cũng như gây gỉ sét.
Sau khi rửa xe, người dùng không nên cất xe ngay vào bãi mà cần chạy vài vòng để nước đọng lại ở các chi tiết khó lau chùi thoát ra hoặc bay hơi. Đối với xe dùng phanh đĩa, chủ xe nên xịt thêm dung dịch bảo vệ đĩa phanh để ngăn ngừa gỉ sét cũng như tình trạng kẹt phanh khi đỗ lâu ngày.
Không nên đỗ xe ngay sau khi rửa.