Chàng thanh niên Hà Tĩnh thôi lao động ở nước ngoài về quê nuôi ốc nhồi

(Baohatinh.vn) - Từ bỏ công việc lao động ở nước ngoài trở về quê, anh Đặng Công Hảo (SN 1989, thôn Tây Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã cải tạo ao, ruộng bỏ hoang để nuôi ốc nhồi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Chàng thanh niên Hà Tĩnh thôi lao động ở nước ngoài về quê nuôi ốc nhồi

Từ bỏ công việc lao động ở nước ngoài, anh Đặng Công Hảo trở về quê hương nuôi ốc nhồi để phát triển kinh tế.

Là người có chí hướng, không ngại khó, ngại khổ, sau khi bỏ công việc lao động ở nước ngoài để về quê, anh Đặng Công Hảo nhen nhóm ước mơ phát triển kinh tế trên chính quê hương của mình. Tình cờ, trong một lần đi du lịch ở miền Nam, anh Hảo biết đến nghề nuôi ốc nhồi (hay còn gọi là ốc bươu đen).

Mặc dù ốc nhồi thường có ở đồng ruộng, ao chum nhưng không được nuôi làm kinh tế khiến anh quyết tâm thử sức với loại vật nuôi mới này.

Chàng thanh niên Hà Tĩnh thôi lao động ở nước ngoài về quê nuôi ốc nhồi

Anh Đặng Công Hảo khởi nghiệp với mô hình nuôi ốc nhồi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nghĩ là làm, cuối năm 2016, anh Hảo bắt tay vào nuôi ốc nhồi bằng nguồn ốc có sẵn tại các ao, hồ xung quanh nhà. Ban đầu, anh Hảo thu được tín hiệu khá khả quan khi từ 5-6kg trứng ấp ban đầu nở được hơn 5 vạn ốc con. Thế nhưng, ốc lớn bằng ngón tay thì bị chết.

Không nản chí, anh Hảo lựa chọn cẩn thận những con ốc to, khỏe để đưa vào thả nuôi. Cùng với đó, anh tăng cường tìm hiểu kiến thức, học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi trên mạng Internet. Anh ghi chép cẩn thận lại các giai đoạn phát triển của ốc, loại thức ăn được ốc ưa thích trong quá trình nuôi…

Chàng thanh niên Hà Tĩnh thôi lao động ở nước ngoài về quê nuôi ốc nhồi

Ốc nhồi ngoài tự nhiên đang khan hiếm vì thế ốc nuôi đang là nguồn cung cấp chính cho người tiêu dùng.

Đến cuối năm 2017, anh Hảo mới nắm bắt thành thạo được kỹ thuật xử lý ấp trứng ốc. Khi vững kiến thức, làm chủ quy trình nuôi, anh Hảo đã mạnh dạnh chuyển đổi toàn bộ 3.500 m2 ao ruộng của gia đình để nuôi ốc nhồi.

Theo anh Hảo, ốc tuy sống ở dưới bùn nhưng lại rất ưa sạch. Người nuôi cần thường xuyên vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng vôi, men vi sinh. "Bữa ăn” của ốc nhồi cũng cần đầy đủ, đều đặn với các loại thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên như: lá khoai, sắn, bèo cám…

Chàng thanh niên Hà Tĩnh thôi lao động ở nước ngoài về quê nuôi ốc nhồi

Sau khi ốc đẻ trứng cần phải thu gom lại nhằm tránh ánh nắng mặt trời, các thiên địch

Anh Hảo chia sẻ: "Nuôi ốc không mất thời gian, mỗi ngày chỉ dành tầm 5 tiếng để chăm sóc, theo dõi nhưng người nuôi cũng cần nắm rõ kiến thức để đạt hiệu quả như mong muốn.

Ngoài những thuận lợi về nguồn ốc, thức ăn chủ động, kỹ thuật không đòi hỏi cao... thì khó khăn trong việc nuôi ốc nhồi là thời tiết. Về mùa đông, ốc nhồi “ngủ đông”, dường như không hoạt động. Lúc này, người nuôi cần dành thời gian để cải tạo ao hồ và dưỡng ốc.

Ốc nhồi thường có thời gian sinh sản bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 11 âm lịch. Khi ốc sinh sản cần gom trứng về ấp để tỷ lệ nở cao, thời gian ấp trứng từ 5-10 ngày ốc nở 1 tổ. Ốc nhồi nuôi sau 4-5 tháng là có thể bán".

Chàng thanh niên Hà Tĩnh thôi lao động ở nước ngoài về quê nuôi ốc nhồi

Anh Hảo tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như bèo cám, lá khoai, sắn... để nuôi ốc nhồi.

Đến nay, anh Đặng Công Hảo bán ra 2-3 tấn ốc/năm với giá 80.000 đồng/kg, đồng thời cung cấp ốc giống và hỗ trợ kỹ thuật cho bà con hơn 1 triệu con giống/năm với thu nhập hơn 300 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm anh Hảo cũng “bỏ túi” vài trăm triệu đồng tiền lãi.

Thông qua các hội nhóm, fanpage trên mạng xã hội facebook, anh Hảo đã kết nối với thị trường tiêu thụ ốc nhồi trong và ngoài tỉnh. Ốc giống do anh Hảo sản xuất được thị trường đánh giá chất lượng, sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.

Hiện trong ao nuôi của anh còn khoảng hơn 3 tạ ốc bố mẹ phục vụ sản xuất con giống trong năm tới. Vì vậy, dự định sắp tới của anh là mở rộng diện tích, tìm kiếm những hộ trong thôn, xã có ao hồ rộng để hợp tác liên kết phát triển nuôi ốc nhồi.

Chàng thanh niên Hà Tĩnh thôi lao động ở nước ngoài về quê nuôi ốc nhồi

Anh Hảo thường xuyên vệ sinh nguồn nước sạch bằng vôi, men vi sinh để tạo môi trường sống sạch sẽ cho ốc sinh trưởng, phát triển.

Anh Đặng Công Hảo tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, cung cấp con giống và bao tiêu cho nhiều hộ nông dân và ĐVTN trong và ngoài xã có nhu cầu nuôi ốc nhồi.

Đây là mô hình điển hình của xã khẳng định sự năng động, mạnh dạn tìm hướng đi mới của thanh niên. Trước mắt, chúng tôi tích cực động viên, hỗ trợ anh Hảo vay vốn, học hỏi thêm kiến thức để mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu".

Anh Trần Hải Đăng - Bí thư đoàn xã Lưu Vĩnh Sơn

Chủ đề Tuổi trẻ Hà Tĩnh

Đọc thêm

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.
Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ trong năm 2024, sản lượng đào, quất tại các tỉnh, thành phía Bắc phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ giảm sút đáng kể. Điều này đã tác động để mặt bằng giá một số loại hoa, cây cảnh chơi tết ở Hà Tĩnh.